Khó chồng khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người lao động, người nghèo vừa mới chật vật đi qua cơn “bão” dịch bệnh COVID-19, chưa kịp hoàn hồn thì cơn bão giá đã trút xuống. Giá xăng lên cao kỷ lục với hơn 30 nghìn đồng/lít, kéo theo giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dịch vụ… tăng phi mã, khiến người lao động còng lưng đối phó.

Khác với nhiều lần trước, lần tăng giá này gây sốc vì người dân gần như chưa kịp hồi phục sức khoẻ, kinh tế sau đại dịch. Nhiều gia đình, đặc biệt là những lao động nghèo, còn phải lo từng bữa ăn vì mọi công việc, hoạt động đóng băng suốt mấy tháng trời. Nhiều người chưa kịp tìm lại việc làm để ổn định cuộc sống thì liền đó tiền nhà, tiền gạo, tiền ga, xăng dầu đều tăng, trở tay không kịp.

Hiền, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q7, thuê căn hộ cạnh gia đình tôi cùng 3 người bạn vừa phải chuyển xuống khu xóm trọ rẻ tiền hơn để cắt giảm chi phí. Công việc làm thêm buổi tối của Hiền tại một nhà hàng cũng bị mất vì cửa hàng đóng cửa từ ngày dịch để trả mặt bằng chưa mở lại. “Biết là sau dịch bệnh phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng cũng đã cắt giảm tối đa nhu cầu tối thiểu rồi, mà tiền sinh hoạt vẫn không đủ vì giá thực phẩm tăng nhanh quá”, Hiền tâm sự.

Giá cả các mặt hàng tăng cao, việc làm thì ít lại, đồng lương cũng vì thế eo hẹp hơn. Có lẽ thứ duy nhất ít tăng và có những người không tăng ở thời điểm này, chính là giá nhà trọ.

Nhiều chủ nhà trọ tại TPHCM hay Bình Dương trong hợp đồng thuê nhà đều ghi rõ rằng, giá thuê sẽ tăng 5% mỗi năm, thế nhưng 2 năm nay chính họ lại giảm giá cho người thuê vì dịch bệnh khó khăn. “Lao động họ thu nhập giảm, giá cả lương thực thực phẩm tăng mình còn tăng tiền trọ nữa họ lấy đâu ra”, chị Đào Hương, có cửa hàng cho thuê tại quận 1 chia sẻ, mặt bằng của chị trước đây cho thuê 18 triệu đồng/tháng thì gần hai năm nay chị chỉ thu 15 triệu đồng. Còn dãy phòng trọ trong con hẻm ở đường Nguyễn Văn Quỳ, ở quận 7 của anh Tuấn có giá 2,5 triệu đồng/phòng/tháng thì đã gần hai năm nay anh chỉ thu 1,5 triệu đồng, ai khó khăn anh cho trả thiếu.

Sau dịch, nhiều người dân đã gần như cạn kiệt tài chính, nhiều lao động trở lại thành phố với hai bàn tay trắng, chính sách an sinh xã hội với các gói hỗ trợ của trung ương và địa phương, hay các mạnh thường quân cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Đã có không ít công nhân, lao động nghèo vướng vào “tín dụng đen”, họ phải bỏ trốn đi nơi khác. Nhưng người thân và người quen lại chịu trận “khủng bố” của chủ nợ.

Hôm qua, khi đọc một bài viết có tựa đề “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo” của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, tôi thật sự cảm động. Bởi ngoài kia, đúng là người lao động nghèo đang “chạy ăn từng bữa”, vừa oằn mình đi qua dịch bệnh, lại nai lưng vượt “bão giá”.

Nói như Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: “Nếu không có biện pháp kiểm soát lạm phát sớm và hiệu quả, thì không chỉ chuyện cơm ăn áo mặc của dân nghèo, mà cả việc hồi phục sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế cũng khó thực hiện”.

Nhưng ngay lúc này, cần những biện pháp an sinh căn cơ, lâu dài để ổn định đời sống cho công nhân, tránh để họ bị bỏ rơi, hoặc quá khó khăn, sập bẫy tín dụng đen với những hệ lụy khôn lường.

Vì thế, ngay lúc này, một chính sách bình ổn giá, trợ giá từ doanh nghiệp hay Chính phủ là điều cần thiết. Ngoài ra, chính quyền cần nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp an sinh xã hội thiết thực và bền vững để hỗ trợ người dân, cùng họ “vượt bão”… sẽ phần nào hạn chế được tác động tiêu cực của lạm phát đến đời sống người nghèo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.