Kho bạc điện tử - ‘kho bạc ba không’

Với việc 99,3% giao dịch điện tử qua dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước TPHCM cơ bản trở thành kho bạc “ba không”: Không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch tại quầy.

Kho bạc “ba không”

Tính đến cuối tháng 9/2020, 99,3% giao dịch của Kho bạc trên địa bàn TPHCM đã chuyển sang giao dịch điện tử. Như vậy, về cơ bản đơn vị này đã hoàn thành kế hoạch xây dựng “kho bạc điện tử” ngay trong năm 2020. Điều này không chỉ cho thấy quyết tâm chuyển đổi số của ngành kho bạc Thành phố mà còn mang lại hiệu quả cụ thể cho người dân và doanh nghiệp. 

Kho bạc điện tử - ‘kho bạc ba không’ ảnh 1

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM, khẳng định Kho bạc Nhà nước TPHCM chưa phải xin lỗi chủ đầu tư nào vì lỗi xử lý chậm hồ sơ của khách hàng

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM cho hay, Kho bạc nhà nước thành phố đang áp dụng tiêu chuẩn ISO9001-2008 cho quy trình xử lý thủ tục hành chính trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước, gồm cả các khoản chi thường xuyên.

Trong đó, quy định thời gian xử lý tối đa 3 ngày làm việc với các khoản chi phải kiểm soát trước thanh toán sau; xử lý trong ngày các khoản thanh toán trước, kiểm soát sau...

Quy trình xử lý hồ sơ qua 8 bước, riêng khâu kiểm soát chứng từ không vượt quá 6 giờ làm việc. “Qua theo dõi từ khi đồng bộ giao dịch diện tử, chúng tôi chưa phải gửi thư xin lỗi vì trễ hẹn xử lý giao dịch của khách hàng”, ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch điện tử, người dân và doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí đi lại khi giao dịch với kho bạc. Hiện nay, quy trình xử lý tại kho bạc đã công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát được từng khâu, thấy được hồ sơ của mình đang xử lý ở giai đoạn nào.

Nhiều đơn vị tiết kiệm biên chế khi chuyển từ giao dịch thủ công sang giao dịch điện tử. Ví dụ như Phòng Tài chính kế toán, Đại học Bách khoa TPHCM trước đây cần 3 nhân viên giao dịch với kho bạc, hiện giờ chỉ cần một biên chế.

Việc chuẩn hóa quy trình xử lý thủ tục hành chính đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả xử lý công việc của công chức kho bạc và giảm một phần áp lực thiếu hụt biên chế. Nhưng khi quy trình được chuẩn hóa và kiểm soát trên hệ thống giao dịch điện tử thì tăng áp lực cho cán bộ giao dịch kho bạc. “Hồ sơ chứng từ được khách hàng giám sát từng khâu như vậy thì tạo áp lực cho cán bộ giao dịch, luôn phải giao dịch ở cường độ cao nhất để làm sao để không trễ hẹn với khách hàng”, ông Hải chia sẻ. 

Kho bạc điện tử - ‘kho bạc ba không’ ảnh 2
 
Kho bạc điện tử - ‘kho bạc ba không’ ảnh 3

Giao diện ứng dụng nghiệp vụ điện tử của hệ thống KBNN

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Tính đến cuối tháng 9/2020, Kho bạc Nhà nước TPHCM đã kiểm soát thanh toán 4.943 dự án với kế hoạch vốn cả năm là 49.301 tỷ đồng, giải ngân 26.226 tỷ đồng, xấp xỉ 54% kế hoạch vốn, tốc độ này gấp đôi cùng kỳ 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, với tốc độ giải ngân hằng tuần từ 2-2,2% thì đến ngày 15/10, Thành phố sẽ đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 65%. “Kết quả này rất khả quan. Theo thông lệ hằng năm, hết tháng 9 thì tỉ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 32%. Năm nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố thực hiện giao ban vốn đầu tư công định kỳ 2 tuần/lần với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nên tỉ lệ giải ngân rất khả quan”.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, Kho bạc Nhà nước TPHCM sẽ tập trung nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các dự án chậm giải ngân, Kho bạc sẽ báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng hấp thụ vốn sang các dự án đã giải ngân xong nhưng vẫn còn khối lượng công việc có thể hấp thụ vốn.

Thông lệ hằng năm, khối lượng công việc 2 tháng cuối năm bằng công việc 10 tháng đầu năm do tâm lý thường để giai đoạn nước rút mới xử lý hồ sơ. Năm nay, do sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố qua các cuộc giao ban giải ngân vốn đầu tư công định kỳ 2 tuần/lần nên việc giải quyết hồ sơ thanh toán không còn tình trạng dồn đến cuối năm. Các chủ đầu tư có trách nhiệm hơn khi xử lý công việc. UBND Thành phố quy định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu phải gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước; trong vòng 4 ngày kể từ khi ký hồ sơ nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải gửi hồ sơ thanh toán qua Kho bạc Nhà nước để giải ngân vốn đầu tư.

Kho bạc Nhà nước TPHCM sẽ phân loại các dự án thành các nhóm: Dự án đã hoàn thiện hồ sơ thẩm tra quyết toán; dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 để đôn đốc nhắc nhở chuyển hồ sơ quyết toán hoặc đẩy nhanh tiến độ thi công trên thực địa công trường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI./.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.