Khổ ải nghiệp thầy đồ

Cho chữ.
Cho chữ.
TP - Đã 20 năm, thầy đồ chưa có cái tết trọn vẹn. Từ mồng 2 đến mồng 10 Nguyễn Văn Nguyên “bám trụ” Văn Miếu viết chữ tặng bà con. Chữ có khi đẹp, có khi chưa đẹp song về độ chuẩn chỉnh được thầy đảm bảo trăm phần trăm.

Có thể nói, Nguyễn Văn Nguyên là một trong những thầy đồ có mặt sớm nhất, bám trụ lâu nhất ở Văn Miếu. Chuyện cho chữ ngày xuân ở Văn Miếu theo đồ Nguyên được đánh dấu bởi nhà thư pháp tiền bối Lê Xuân Hòa:  “Ngày xưa, khi cụ Lê Xuân Hòa còn sống, cứ mồng 1 tết cụ khai bút, viết một, hai chữ cụ nghỉ”.  Bởi khi đó cụ đã ở cái tuổi “cạn mùa tuế nguyệt”.

Đồ Nguyên, trong những năm 1996-2000, còn là chàng sinh viên  khoa văn học, chuyên ngành Hán Nôm, Trường ĐH KHXH &NV HN, cũng mang giấy bút ra Văn Miếu ngày xuân, dù Văn Miếu khi ấy còn vắng vẻ, người ta chưa quen với việc xin chữ đầu năm như bây giờ: “Văn Miếu mở cửa tự do nhưng chúng tôi ngồi viết vẫn phải xin phép.

Tôi viết, Tô Lan, cán bộ Viện Hán Nôm bây giờ, bê mực. Sau khoảng 2 năm, nhu cầu xin chữ tăng lên, tôi gọi Đức Dũng, bạn cùng lớp đi cùng. (Nguyễn Đức Dũng hiệu Thiên Hỏa, một trong năm họa sỹ của  nhóm thư pháp Tiền Vệ đình đám một dạo- PV)”. Nguyễn Văn Nguyên tiết lộ, Viện trưởng Viện Hán Nôm bây giờ, TS Nguyễn Tuấn Cường, sinh năm 1980, cũng là một trong những người ra Văn Miếu từ những buổi ban đầu. “Dần dần Văn Miếu mới đông. Ban đầu chúng tôi tự lo giấy bút, ban quản lí Văn Miếu cho mượn chỗ. Nhưng bây giờ chúng tôi nhàn hơn, chỉ việc viết, không phải lo thứ gì” thầy đồ hào hứng khoe.

Khổ ải nghiệp thầy đồ ảnh 1 Thầy đồ trẻ Nguyễn Văn Nguyên.

Vất như nghề cho chữ

Thu nhập của các ông đồ ở Văn Miếu luôn gây tò mò cho nhiều người. Cụ Nguyễn Văn Bách, một thư pháp gia gạo cội, chỉ cho chữ tại gia những năm trước từng tiết lộ, một năm cụ thu được vài trăm triệu đồng, sau khi đã trừ mọi chi phí. Không biết thực hư thế nào. Nhưng con số đó vẫn là “trên trời” với những thầy đồ như Nguyễn Văn Nguyên. Anh không ngại tiết lộ: “Chúng tôi nhận lương hàng ngày. Tôi nhận 3 triệu đồng cho một ngày viết”. Nhẩm tính trong 9 ngày ngồi Văn Miếu, từ mồng 2 đến mồng 10 tết, Nguyễn Văn Nguyên nhận 27 triệu đồng.

Ngoài ra, thầy đồ  còn “bật mí”, cũng hay nhận được “lì xì”  từ người xin chữ. Tùy lòng hảo tâm của mỗi người, có khi người ta chỉ lì xì dăm, mười ngàn đồng nhưng có khi cả vài  trăm ngàn đồng, hãn hữu có lì xì chứa tới triệu đồng. Sau mỗi ngày, có thể  thầy có thêm đôi triệu đồng gom từ phong bao  lì xì, song khoản thu này không cố định bởi có những ngày đông khách và có những ngày vắng khách.

Năm nay, thầy đồ Nguyên ghi nhận, lượng khách đông nhất vào mồng 4, mồng 5 tết. Dù không thể đạt tới con số trăm triệu đồng thu nhập từ công việc viết chữ ngày xuân ở Văn Miếu song mức thu nhập ấy  cũng khiến nhiều người phát thèm, bản thân thầy đồ cũng thấy vui vẻ, có thêm sức mạnh để bước tiếp những mùa xuân sau.

Tuy nhiên, đồng tiền thầy đồ kiếm được nhuốm cực nhọc mồ hôi. Nguyễn Văn Nguyên “rung chuông”: “Đừng tưởng đó là công việc ngon ăn”: “Chúng tôi làm cật lực từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, viết liên tiếp, điên đầu. Anh nào khỏe thì cũng chỉ viết đến 3 giờ chiều là đầu treo, hỏi gì cũng không buồn trả lời,  khách yêu cầu chữ gì thì viết chữ ấy thôi”. Bề ngoài nhìn thong thả nhưng công việc của thầy đồ đòi hỏi tinh thần và thể chất tốt, anh tâm sự: “Như tra tấn tinh thần, một ngày tiếp mấy trăm người khách, mỗi người hỏi một câu, cứ liên tiếp thế nhiều giờ, không điên đầu mới lạ. Cứ về đến nhà là tôi nằm xuống đất, nằm khoảng nửa tiếng bắt đầu hồi người mới ngồi dậy uống nước, rồi đi rửa mặt, vợ cho ăn gì thì ăn nấy, xong leo lên giường ngủ, sáng hôm sau nạp năng lượng, lại tiếp tục”. Thầy đồ Nguyên mở lòng, đã 20 năm nay không biết tết là gì, thăm hỏi, chúc tết họ hàng được anh cố gắng hoàn thành trong hai ngày, 30 và mồng 1 tết, mồng 2 bắt đầu ngồi Văn Miếu miệt mài.

Điều gì khiến thầy đồ bám trụ lâu năm ở Văn Miếu? Không hẳn vì mức lương cao: “Nếu đưa vào lí luận thì hành vi của chúng tôi là biểu diễn văn hóa. Cho được con chữ dù không đẹp cũng gọi là chuẩn chỉnh, gợi lại được cho người ta cái ham học hỏi, hướng về cội nguồn”. Một câu hỏi khiến thầy đồ cảm thấy bị xúc phạm chính là: “Chi bao nhiêu tiền mới kiếm được cái ghế Thái Học?”.

Thầy đồ Nguyên khẳng định: Thầy nhận lời mời chứ không phải qua thi cử, sát hạch nên  không có chuyện “mất bao nhiêu tiền để kiếm ghế Thái Học”. Trong số những thầy đồ viết ở nhà Thái Học  có khá nhiều nhà nghiên cứu của các viện nghiên cứu như Viện Hán Nôm, Viện Văn học… Thầy đồ Nguyên đến từ Viện nghiên cứu Trung Quốc. Công việc chính của thầy là nghiên cứu văn hóa- lịch sử Trung Quốc, làm việc thường xuyên bằng tiếng Trung.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Nguyên cũng thừa nhận, hiện nay có nhiều “đồ đểu” như báo chí đã phản ánh: “Họ không xứng gọi là ông đồ. Chúng ta đang dễ dãi khi gán cho bao người chỉ biết vẽ chữ, tô chữ chiếc áo “ông đồ”. Nhu cầu xin chữ càng cao thì người cho chữ xuất hiện càng nhiều. Đó là quy luật cung- cầu tất yếu. Nhiều người vốn chỉ quen với việc viết sớ, một ngày đẹp trời bỗng thành ông đồ.

Theo Nguyễn Văn Nguyên, có những thời điểm lượng ông đồ ở Văn Miếu lên tới cả ngàn người, không chỉ ở Hà Nội, các tỉnh khác cũng đua nhau tề tựu, sinh lộn xộn. Lượng ông đồ bùng phát, không hẳn vì vấn đề kinh tế: “Ở quê được đi sát hạch đã sướng rồi. Một số người đi sát hạch mang tâm trạng lên kinh thành thi. Cứ đăng ký đi thi để về quê khoe cái đã”, suy luận của Nguyễn Văn Nguyên. Anh  kể: “Có những người vài năm thi không đỗ, ngượng không dám về quê, đi vào chùa,  quyết tâm luyện thi, để thi bằng được”. Hiện nay, “Nhân mỹ học đường” nổi lên là một địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng chữ Hán, thư pháp chữ Hán miễn phí có uy tín. Đó cũng là một địa chỉ cho những người nuôi mộng làm ông đồ nhưng chưa đủ tâm, đủ tài.

“Đăng khoa”, “Chuyên cần”... “Xinh đẹp”, “Nhiều tiền”

Nguyễn Văn Nguyên tổng kết: Tần suất xin chữ “đăng khoa”, “đỗ đạt” luôn ở trạng thái cao. Rất nhiều học trò cuối cấp  theo cha mẹ đến Văn Miếu dịp tết. Học trò lớp 12, thầy gợi ý chữ “đăng khoa”. Trò hỏi thầy đồ: “Đăng khoa là gì hả thầy?”. Thầy động viên: “Đăng là lên, tên mình lên cái bảng khoa thi đó, gọi là đăng khoa. Cố gắng ghi  tên mình trong danh sách trúng tuyển nhé”.  Nhưng cũng có học trò thi vào lớp 10 cũng xin chữ “đăng khoa”, thầy gạt đi: “Thi vào lớp 10 mới ở tầm thi hội ngày xưa, gọi là đỗ đạt thôi”. Giải thích cho các trò có nghĩa là thầy đồ làm nhiệm vụ giới thiệu văn hóa cổ tới người trẻ. Trẻ lớp 1, lớp 2 thì được thầy cho chữ “hiếu học”, “chuyên cần”….

Người xin chữ đa dạng về nhu cầu. Thầy Nguyên chạnh buồn khi phải công nhận một sự thật: Sức ép thi cử khiến nhiều người trẻ tìm đến Văn Miếu. Phần lớn người ta đến với Văn Miếu không phải vì say mê vẻ đẹp của chữ nghĩa mà muốn tìm một lá bùa: “Họ có mua chữ đâu, mua bùa đó chứ”, thầy bình. Đó cũng là một trong những lí do khiến thầy đồ hay nhận được lì xì. Có khách nói với thầy: Thầy viết cho con chữ nào, năm đó con được đúng như thế. Vì thế, năm mới họ lại đến xin chữ thầy và không quên cảm ơn cũng là lấy may bằng bao lì xì. Trong dòng khách nườm nượp đến xin chữ, có cả những đứa trẻ mới lên năm.

Mồng 7 tết năm nay có một câu chuyện khiến thầy đồ không thể quên: Trời mưa lất phất, khách xin chữ vắng vẻ, đến tầm trưa có một đàn trẻ con xinh xắn xếp hàng xin chữ. Chúng lễ phép gọi “thầy” xưng “con”. Thầy hỏi: “Con thích chữ gì?”. Chúng đồng thanh: “Dạ, xinh đẹp, học giỏi, nhiều tiền ạ”. Chưa dừng lại, có đứa còn bảo thầy viết cho con mỗi chữ “tiền” thôi. Thầy đồ lúng túng hỏi lại, chúng vẫn nguyện vọng “xinh đẹp, giỏi giang, nhiều tiền”. Thầy bèn quay sang hỏi cô giáo, cô cười rất tươi, bảo thầy kệ nó, cứ viết thế cho nó.

Nhưng cũng có những người lớn lại rất vô tư. Một khách chào thầy: 18 năm nay, năm nào em cũng xin chữ thầy. Thầy xúc động bảo: Năm nay lấy chữ “phát đạt” nhé. Không ngờ vị khách chung thủy từ chối: Thôi thầy, em làm cơ quan nhà nước, lấy “phát đạt” làm gì. Em chỉ mong sống thong dong như thầy. Thế là thầy vui vẻ, tặng ngay chữ mới. Song những người đến Văn Miếu với mong muốn sống thong dong, không cầu tiền bạc, của cải ngày càng ít.

Hiện nay một số bạn trẻ có nhu cầu học chữ Hán. Thầy đồ nói vui: “Đó là sở thích, con người ta có những nhu cầu, đầu tiên là nhu cầu khẳng định mình. Thấy người ta không thích gì thì mình thích cái đấy. Đó cũng là một trong những cách gây ấn tượng”. Nguyễn Văn Nguyên bật mí nguyên nhân bén duyên với Hán Nôm: “Hồi đó, mình yêu một cô bạn học văn khoa tổng hợp. Đến thăm nàng, thấy nàng ôm mấy quyển sách Hán Nôm, mình mượn ngồi đọc, bỗng nhiên thấy thích. Từ đó, đi theo Hán Nôm thôi”. Có người trông chữ Hán đã sợ khó, không dám học. Thầy đồ cười: “Không có gì khó. Khó thế nào cũng có cách, miễn là có niềm đam mê”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.