Khiêu vũ ở Trường Sa

Khiêu vũ ở Trường Sa
TP - Học khiêu vũ và sẵn sàng rốc, ráp cùng văn công từ đất liền ra đảo đang được nhiều chiến sĩ trẻ ở quần đảo Trường Sa hưởng ứng như một món ăn tinh thần lành mạnh, tiếp thêm sinh lực để chắc hơn tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

> Triển lãm ảnh “Cảm xúc Trường Sa”

Ở đảo Sơn Ca có hẳn một “tổ ráp” gồm 5 chiến sĩ sẵn sàng phục vụ đơn vị và cạnh tranh cùng các ca sĩ từ đất liền. Khi văn công hát, “tổ ráp” liền ra nhảy. Ca sĩ hát, chiến sĩ “ráp”.

Chiến sĩ Trần Văn Hoài có thâm niên ráp từ thời học sinh thổ lộ: “Lần nào có văn công em cũng có mặt. Em rất thích “ráp” và sẵn sàng “ráp” bất cứ lúc nào.

Sướng nhất là “ráp” cùng nữ ca sĩ. Cả năm luyện tập, không “ráp” thì tiếc lắm”. Không chỉ mình Hoài, trên đảo còn có nhiều vũ sư trẻ khác. “Chúng em là vũ sư ba trong một: Rock, rap, khiêu vũ đều được cả. Khi có văn công, mọi tài năng đều được thi triển, bao nhọc nhằn tan biến”, Hoài cho biết.

Từ năm 2005 về trước, phong trào rốc, ráp ở Trường Sa chỉ mới bắt đầu được nhen nhóm. Vài chiến sĩ biết khiêu vũ cũng chỉ lấp ló rụt rè khi có văn công ra biểu diễn.

Chiến sĩ nào bạo dạn cũng chỉ dám cầm tay văn công bước vài bước nhảy cho có lệ. Ngày ấy, chiến sĩ ráp với văn công hoặc lỡ hôn một cái cũng có thể bị phê bình.

Chiến sĩ Trường Sa hát cùng ca sĩ. Ảnh: M.C
Chiến sĩ Trường Sa hát cùng ca sĩ. Ảnh: M.C.

Từ khi phong trào rốc, ráp phát triển và đưa vào học tập theo chương trình huấn luyện ngoại khóa trong môi trường quân đội, nhiều gương mặt mới xuất hiện, nhiều chiến sĩ trẻ trở thành vũ sư dạy khiêu vũ ở đảo.

Đại úy Nguyễn Văn Thắng, trợ lý thanh niên Vùng 4 Hải quân, lần nào đi đảo cũng luyện tập kỹ vài chiêu để khoe tài cùng chị em văn công, chia sẻ: “Đây là món quà đặc biệt mà các chiến sĩ đáp lễ văn công”.

“Một hai- ba bốn năm; một hai - ba bốn năm; cha cha cha, kề ri có chà chà chà”, những âm thanh ngộ nghĩnh ấy râm ran khắp đảo Song Tử Tây mỗi buổi chiều thứ bảy, khi các chiến sĩ học khiêu vũ”.

Từ năm 2008, học khiêu vũ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vừa là chương trình huấn luyện ngoại khóa, vừa là nhu cầu thiết yếu của bộ đội, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần.

Ở đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây, cứ đến giờ nghỉ, ngày nghỉ, các chiến sĩ trẻ lại tập trung dưới gốc cây bàng quả vuông để tập khiêu vũ.

Ngoài những vũ điệu quốc tế cơ bản, chiến sĩ trẻ còn được học rốc, ráp trẻ trung, sôi động để sẵn sàng phục vụ giao lưu văn hóa văn nghệ khi có văn công và khách từ đất liền ra thăm.

Không chỉ chiến sĩ trẻ, nhiều quân nhân chuyên nghiệp và sĩ quan cũng thích học khiêu vũ.

Trung tá Đỗ Việt Hòa, Chính trị viên của đảo Sơn Ca, chia sẻ: “Phong trào khiêu vũ ở Trường Sa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của chiến sĩ.

Bên cạnh phục vụ đời sống tinh thần tại chỗ, còn là điều kiện thuận lợi để anh em chúng tôi giao lưu văn hóa, văn nghệ, học hỏi lẫn nhau khi có đoàn công tác của các cơ quan dân chính đảng từ đất liền ra thăm.

Hiện nay ở các đảo, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, khiêu vũ phát triển rất mạnh và đã trở thành nét đẹp hằng ngày của cán bộ chiến sĩ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG