Khi xe công là 'bầu sữa ngọt'

0:00 / 0:00
0:00
Còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng xe công, tài sản công. Ảnh minh họa
Còn nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng xe công, tài sản công. Ảnh minh họa
TP - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trò chuyện với phóng viên Tiền Phong xoay quanh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay.

ĐB Phạm Văn Hòa nói: Tình trạng lãng phí đã và đang xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực. Trong các loại lãng phí, tôi quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Với hàng nghìn dự án lớn nhỏ, lãng phí cộng lại thì sẽ nhiều vô kể. Đấu thầu chậm gây lãng phí. Giải phóng mặt bằng chậm cũng gây lãng phí. Giải ngân chậm gây lãng phí; xây công trình xong rồi sử dụng kém hiệu quả cũng gây lãng phí… Vấn đề này, cá nhân tôi cũng như các đại biểu khác đã đề cập nhiều khi cho ý kiến về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí.

Khi xe công là 'bầu sữa ngọt' ảnh 1

“Cần phải tổng kết đánh giá lại về thực trạng xe công vụ hiện nay xem đã hợp lý, công bằng chưa. Bởi trong cùng một tỉnh, có những sở, ngành chỉ được một xe, trong khi một số sở, ngành khác lại được nhiều xe. Với cấp lãnh đạo khối công an, quân đội, mỗi người có một xe, thế nhưng các sở, ngành khác, cả cơ quan chỉ có một xe”.

ĐB PHạm Văn Hòa

Trong đầu tư xây dựng cơ bản, ông quan tâm đến loại lãng phí nào?

Đó là việc xây dựng trụ sở các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Tại các cơ quan Trung ương, có không ít bộ, ngành dù đã xây trụ sở mới khang trang, hoành tráng rồi, nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ. Có mới vẫn “ôm” cũ, rồi cho các đơn vị trực thuộc sử dụng, hay cho thuê… Thực tế này đã tồn tại nhiều năm. Tôi tin, Bộ Tài chính đã thấy rồi, nhưng thời gian qua việc xử lý chưa rốt ráo, cần quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Trụ sở các cơ quan Trung ương đã vậy, còn trụ sở ở các địa phương, đặc biệt là các ngành dọc cũng là vấn đề đáng quan tâm. Rất nhiều trụ sở cơ quan Trung ương đóng tại địa phương rất hoành tráng. Có địa phương, ngành dọc như thuế, hải quan, thu ngân sách hàng năm rất ít, nhưng diện tích trụ sở rộng mênh mông, thậm chí còn bỏ không. Hay với loại hình nhà công vụ cũng cần tổng rà soát lại. Để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ. Đồng thời yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích…

Chủ trương này cần phải làm ngay, cái nào hoá giá được thì hoá giá, nếu không phải kiên quyết thu hồi triệt để.

Xử lý dứt điểm xe công vụ, khoán xe công

Cùng với nhà công, đất công, trụ sở công…ông thấy sao khi vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập khi nhiều bộ, ngành, địa phương thừa cả trăm xe ô tô, rồi vô tư “cho mượn”?

Vấn đề này đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh có báo cáo đầy đủ gửi cho các đại biểu Quốc hội. Trước tình trạng trên, cần phải rà soát, thậm chí thanh tra, kiểm tra cho rõ ràng cụ thể. Những đơn vị nào thừa xe, vì sao lại thừa, vì sao lại cho mượn trong một thời gian dài như vậy? Xe chuyên dùng đang phục vụ vào mục đích gì? Rồi cũng phải làm rõ đơn vị “mượn xe” chuyên dùng là ai, vì sao lại thiếu xe để rồi phải đi mượn như vậy?

Từ thực tế này cũng cho thấy còn nhiều bất cập trong việc sử dụng, quản lý xe chuyên dùng với tình trạng xe công hiện nay.

Bất cập cụ thể ở đây là gì, thưa ông?

Đó là tình trạng thừa xe chuyên dùng nhưng lại thiếu xe công vụ ở nhiều nơi. Chỉ đơn cử ở cấp sở, ngành, cấp huyện, mỗi đơn vị cũng chỉ có một xe công vụ. Như vậy sẽ không đủ và không thể đáp ứng được nhu cầu công việc, đi lại vì mục đích chung. Vì thiếu nên nhiều cơ quan, đơn vị phải thuê xe ngoài để đi.

Cần phải tổng kết đánh giá lại về thực trạng xe công vụ hiện nay xem đã hợp lý, công bằng chưa. Bởi trong cùng một tỉnh, có những sở, ngành chỉ được một xe, trong khi một số sở, ngành khác lại được nhiều xe. Với cấp lãnh đạo khối công an, quân đội, mỗi người có một xe, thế nhưng các sở, ngành khác, cả cơ quan chỉ có một xe. Hiệu quả thế nào, đã hợp lý chưa, có lãng phí hay không?… Theo tôi, cần có sự đánh giá thật cụ thể, khách quan về việc này.

Thưa ông, còn việc khoán xe công được thực hiện rải rác trong thời gian qua thì sao?

Rõ ràng vấn đề này cũng phải được sớm tổng kết, đánh giá sau một thời gian thực hiện thí điểm, xem khoán xe công hiệu quả thế nào, có tiết kiệm được chi thường xuyên không? Có nên nhân rộng, hay chấm dứt tình trạng khoán xe công… Bộ Tài chính cần phải sớm tổng kết, đánh giá để đưa ra chủ trương nhất quán.

Theo tôi, việc khoán xe công thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn ở các bộ, ngành thực hiện khoán xe công cho thứ trưởng, bộ trưởng, mức khoán cho một người khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng số tiền đó chỉ là khoán (trả) cho họ khi đi từ nhà lên cơ quan. Còn khi đi công tác, họ vẫn sử dụng xe công, lái xe vẫn phải đến tận nhà đưa đón.

Trong khi đó, lãnh đạo các bộ, ngành lại chủ yếu đi công tác, ít làm việc ở cơ quan. Vậy số tiền 15 triệu chi trả cho họ mỗi tháng có hợp lý không, có tiết kiệm được chi thường xuyên không hay còn phát sinh thêm chi phí?

Bộ Tài chính cần tổng kết, đánh giá cụ thể. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, việc khoán xe công chỉ có lợi cho cán bộ lãnh đạo, còn tập thể, đơn vị đó không có lợi, cũng không tiết kiệm được gì. Cũng vì chưa có quy định cụ thể, nên việc này còn được áp dụng tuỳ tiện, nơi khoán, nơi không. Có điều chỉnh gì không, tiếp tục nhân rộng hay dừng lại, tất cả cần phải sớm được đánh giá, tổng kết, để đưa ra chủ trương chung và thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG