Khi tấm áo bào đoạt giải vàng

TP - NSƯT Quang Thập là một trong hai đạo diễn đoạt Huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu, nhờ vở chèo Tấm áo bào hoàng đế. Anh nói thêm về vở diễn và tình hình sân khấu.

> Ba 'bông hồng' của dòng phim cách mạng Việt Nam
> Tân giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Tôi tự tin trong vai trò mới

“Tấm áo bào hoàng đế” dựng từ năm 2009, tham gia “Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng nghìn năm Thăng Long”. Vở diễn nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà chuyên môn, hẳn anh vững tin đi tranh giải?

Hi vọng được giải ai cũng muốn, nhưng tin tưởng thì rất khó. Chỉ có điều ngay từ khi dựng vở, tôi rất tự tin và mang dự thi không phải chuốt lại. Kịch bản của Trần Đình Ngôn vốn đã tốt, khi dàn dựng tôi đảo các lang lớp, cắt gọt chỉnh sửa thêm. Vở diễn lịch sử nên dựng khá vất vả, phải tính kỹ liều lượng đến độ chỉn chu, sao cho vui, buồn, kịch tính, xây dựng hình tượng nhân vật đều phải tới.

Anh không sợ đề tài lịch sử kém hấp dẫn, nhất là trong liên hoan dành cho các đạo diễn trẻ?

Loại hình nào nếu biết cách làm đều hấp dẫn khán giả như thường. Bằng chứng là trong hội diễn, nhiều vở hiện đại khá vắng khách, có tác phẩm hời hợt khiến khán giả bỏ về. Đến chèo của Ninh Bình, khán giả ngồi chật cứng khán phòng, BTC phải kê thêm ghế ở lối đi. Có lẽ cũng xuất phát từ sự tò mò của khán giả phía Nam. Họ lặng phắc ngồi xem, hết từng lớp diễn đều vỗ tay lớn.

“Tấm áo bào hoàng đế” được khen ngợi ở cách xử lý khéo léo, lời ca mượt mà .

Được biết tại tọa đàm về đạo diễn trẻ, không ít ý kiến tranh cãi quanh chuyện đạo diễn trẻ cậy vào thầy dựng vở dự thi?

Quả là tôi cũng thấy một số vở mà bóng của thầy át hết chả thấy trò đâu. Tất nhiên mình có thể hiểu học trò chịu ảnh hưởng phần nào đó từ thầy, nhưng nếu để bóng thầy lớn quá thì không còn ý nghĩa gì. Và các bạn đạo diễn trẻ ấy có lẽ cần phải xem lại, liệu có tâm huyết với nghề không. Có nên mang những vở đó đi thi tài năng hay không, bởi nó chỉ khiến thui chột tài năng thêm thôi.

Anh thấy sao khi có ý kiến cho rằng, tiếng là cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu nhưng không ít đạo diễn tuổi 40?

Đó là do quy định của BTC, đạo diễn có tác phẩm đầu tay giới hạn dưới 45 tuổi. Không cứ học hết phổ thông ra, đi học là có thể làm đạo diễn được ngay, nếu có thì gặp không ít bỡ ngỡ. Đạo diễn là thầy, là tấm gương cho diễn viên soi vào, nên nếu không học kỹ thuật biểu diễn, không trải nghiệm thì rất khó. Đại đa số đạo diễn được giải kỳ này như Lê Thúy Nga, Lịch Sử, Bùi Như Lai đều đi lên từ vốn diễn viên nhất định.

Sân khấu hiện vẫn trong cơn khủng hoảng, rất khó sống bằng nghề. Nghệ sĩ ở Nhà hát Chèo Ninh Bình thì sao?

Hầu hết nhà hát miền Bắc sống khó khăn, riêng Ninh Bình hoàn toàn sống bằng nghề. Hiếm nơi nào có chính sách hỗ trợ tăng gấp đôi quỹ tiền lương cho nghệ sĩ, nên chúng tôi chỉ sống bằng lương cũng ổn rồi.

Vở chèo Tấm áo bào hoàng đế kể chuyện Thái hậu Dương Vân Nga trao ngôi báu cho Lê Hoàn khi vua Đinh Tiên Hoàng mất và dân tộc đứng trước nguy cơ bị nhà Tống xâm lấn.

Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc lần 2 diễn ra từ 22/4 đến 3/5 tại Nhà hát TPHCM. BTC trao 2 HCV cho đạo diễn Phan Nhật Phi Long (Xin một cái tên), Quang Thập (Tấm áo bào hoàng đế); HCB cho Lê Thúy Nga (Yêu không dễ dàng), Lịch Sử với Biển và bờ, Lê Quốc Nam với 3-5-7. Giải khuyến khích: Bùi Như Lai (Được là chính mình), Trần Thư Nhàn (Nghĩa vụ thiêng liêng) và Nguyễn Khắc Duy với nhạc kịch Chicago.

Theo Báo giấy