Khi sinh viên Trung Quốc kinh doanh ở Việt Nam

Khi sinh viên Trung Quốc kinh doanh ở Việt Nam
Trong khu tập thể Đại học Hà Nội, bạn sẽ thích thú thưởng thức "ẩm thực Trung Hoa" tại những quán cơm, quán mì do chính các sinh viên Trung Quốc mở ra.

Cô nàng Trần Đề, quê gốc Quảng Châu, sinh viên khoa Việt Nam học năm thứ 3 đã mở một quán mì được hơn 1 năm, với vốn liếng 15 triệu đồng.

Cô nàng tâm sự: "Món Việt không hợp người Quảng Châu, người Quảng Châu vốn thích ăn cay và mỡ. Vì thế có nhiều sinh viên Trung Quốc thành khách quen của quán". Món ngon, giá rẻ. Quán mì làm ăn rất có lãi và cô chủ để dành được một khoản tiền kha khá để học hành.

Đồ uống, quán net và thời trang là những lĩnh vực sinh viên Trung Quốc khoái kinh doanh.

Cửa hàng trà sữa wifi trẻ trung do 4 sinh viên Trung Quốc góp vốn, đầu tư tương đối lớn. Tiểu Linh, nhân viên bán hàng, cũng là một sinh viên Trung Quốc, thích thú vì đây  là tụ điểm mà sinh viên Trung quốc có thể gặp gỡ, nói chuyện với đồng hương và người ở nhà qua net.

Đồ uống của quán được các chủ nhân kì công mang từ Trung Quốc sang, pha chế theo phong cách của thanh niên Trung Quốc, với những tên gọi sáng tạo và đáng yêu do chính chủ quán đặt ra.

Khác một chút, San San lại mở tiệm quần áo phục vụ bạn bè Việt Nam. Cô tự hào nói: "Khách hàng của mình phần lớn là sinh viên Việt. Mẫu mã, kiểu dáng mới ở đây đều được cập nhật hàng tuần, do đích thân bọn mình về Trung Quốc chọn từng món đồ mang sang. Giá chỉ từ 50k đến 350k cho một món đồ, nên các bạn rất thích". Vốn hơi lớn: 150 triệu đồng, nhưng được cái, cô chủ tin đến 99% là thành công!

Khi sinh viên Trung Quốc kinh doanh ở Việt Nam ảnh 1
Đồ uống là một trong những lĩnh vực sinh viên Trung Quốc khoái kinh doanh

Tiểu Cần, chủ một quán net, tâm sự: "Thời gian đầu sang Việt Nam, tôi thấy rất cô đơn và thiếu tự tin. Rất muốn hòa nhập thật nhanh vào cuộc sống ở Việt Nam mà không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào".

Sau đó, Tiểu Cần làm quen với một cô bạn người Việt Nam, hai người cùng góp vốn thuê nguyên một căn nhà, mở quán net và sống luôn ở đó.

"Mọi thứ đều trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều từ khi tôi cùng người bạn Việt Nam của mình hợp tác làm ăn chung. Tôi có rủng rỉnh tiền để đi thăm thú các cảnh đẹp Việt Nam, hiểu hơn về văn hoá Việt Nam. Cái quan trọng nhất là tiếng Việt của tôi tiến bộ một cách nhanh chóng".

Mở cửa hàng kinh doanh, đối với những bạn trẻ người Trung Quốc, còn là một cơ hội thật sự để làm quen với môi trường sống Việt Nam, giao tiếp với người Việt Nam.

Tiểu Linh hóm hỉnh kể: "Khi sinh viên Việt đến uống nước, tôi thường "nghe lỏm" các câu chuyện của họ, chú ý đến cách diễn đạt, cách sử dụng ngữ điệu. Các bạn Việt Nam còn giải thích thêm cho tôi. Sinh viên Việt Nam kiếm việc làm rất giỏi, còn sinh viên Trung Quốc thì không dễ dàng, tôi cũng muốn được giới thiệu việc".

Tuy nhiên, nhiều “ông chủ, bà chủ” cũng gặp khó khăn. Vì không nắm rõ pháp luật Việt Nam, các bạn ấy khá loay hoay với đăng ký kinh doanh, thuê mặt bằng, giao tiếp với khách hàng thời gian đầu mới mở quán.

Một bạn tâm sự: "Chủ nhà liên tục tăng giá tiền thuê quán mà không giải thích. Đó là khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên, kinh doanh ở Việt Nam tương đối dễ chịu và có lãi"!

Theo Hương Thảo Nguyên
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG