Không hiểu là ông Miura đang nói thật bụng hay nói để đốt lửa trái tim học trò, nhưng nhìn lại quãng đường ngắn ngủi mà ông đã trải qua cùng bóng đá Việt Nam, có thể thấy đấy là một nhận định có cơ sở.
Đội tuyển Olympic Việt Nam dưới trướng ông đã đá cả 3/3 trận đấu tại vòng loại ASIAD 17 đúng với tinh thần chiến đấu cho đến những giấy phút cuối cùng. Đội tuyển Việt Nam dưới trướng ông cũng đá đúng với tinh thần như vậy trong những trận giao hữu toàn thắng vừa qua.
Vấn đề nằm ở chỗ: 1. Đối thủ của đội tuyển Việt Nam như U.23 Bahrain hay Sinh Viên Hàn Quốc quá yếu, nên chưa phải là thuốc thử tinh thần hữu hiệu. 2. Khi bước vào sân chơi chiến lược là AFF Cup, đối đấu với những đội bóng ngang cơ thì rốt cuộc cái tinh thần mà ông Miura đang tin tưởng liệu có được phát huy?
Ai cũng nhớ, kỳ AFF Cup gần đây nhất trên đất Thái, đội tuyển Việt Nam đã vỡ tinh thần như thế nào và đã thể hiện một bộ mặt nhợt nhạt, yếu kém ra sao.
Những người am tường nội tình đội tuyển nói rằng một trong những lý do đẫn tới thực trạng này nằm ở việc nhiều tuyển thủ khi ấy đang đứng trước tình cảnh hoặc sắp ký hợp đồng với CLB mới (nên phải giữ chân) hoặc CLB hiện tại của mình đang có vấn đề, nên đang mù mịt tương lai. Trưởng đoàn, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng hồi ấy từng nhận định một câu chua xót với người viết: "Có nhiều cầu thủ không đặt tinh thần mầu cờ sắc áo quốc gia lên đầu".
Trước thềm AFF Cup năm nay, có thể thấy là phần lớn các tuyển thủ đều đã có "nơi ăn chốn ở" một cách chắc chắn, vì thế sẽ không còn cảnh vừa đá vừa nơm nớp lo cho tương lai của mình ở CLB như trước nữa. Hy vọng là sự thay đổi căn bản ấy cùng sự xuất hiện của một ông thầy luôn nêu cao yếu tố tinh thần chiến đấu như ông Miura sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có được một bộ mặt hoàn toàn khác.
Hy vọng cái câu: "Tôi bất ngờ về tinh thần máu lửa của tuyển thủ Việt Nam" mà ông Miura chia sẻ được giữ đến hết AFF Cup 2014, thay vì chỉ được duy trì ở giai đoạn "thử kêu...".
Theo Phan Đăng