Khi những “ông giáo” Tây mê Tết ta

Họ là những giáo viên nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, các “ông giáo” ngoại đã trở nên gắn bó với không khí Tết Việt.

Tình yêu với Tết Việt

Anh David Kelly là mngười Úc, đến Việt Nam cách đây bảy năm để tham gia một kỳ nghỉ vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Anh lập tức rơi vào tình yêu với Việt Nam khi chứng kiến không khí tết tại TP Hồ Chí Minh: "Tôi đã ngạc nhiên trước tất cả những bông hoa đẹp, đường phố đẹp. Mọi người đều rất thân thiện và không khí rất thoải mái”, anh nói.

Khoảng năm 2010, David quyết tâm quay trở lại làm việc tại Việt Nam và chính thức trở thành “ông giáo” tại Trường mầm non Just Kids Kindergarten tại Hà Nội. Tại đây, anh gặp Duyên - giáo viên dạy học cùng lớp. Họ làm việc cùng nhau một năm. Anh chia sẻ: “Lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ lấy vợ Việt Nam nhưng tình yêu với Duyên khiến tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc. Và tháng 5/2015, chúng tôi đã kết hôn”.

Được biết, Tết Bính Thân này, cha mẹ của David cũng đến Hà Nội để đón năm mới cùng ông bà thông gia. Sau đó, họ sẽ về quê của Duyên tại Phú Thọ. Họ đã chuẩn bị cả phong bao lì xì rất đẹp để mừng tuổi với mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho mọi người.

“Đây sẽ là lần đâu tiên bố mẹ tôi cảm cảm nhận thực sự về ngày tết của Việt Nam. Bố mẹ tôi chia sẻ trước khi đi, đây sẽ là trải nghiệm đầy thú vị và mới mẻ trong cuộc đời mình. Bố mẹ tôi mong muốn có nhiều họ hàng khách khứa đến thăm, để uống trà và quan trọng là được... ăn nhiều kẹo”, anh cười cho biết.

Chia sẻ về những cảm xúc ngày tết Việt, David kể, ở Úc chúng tôi không ăn mừng Tết Nguyên đán. Vào giờ khắc giao thừa, chúng tôi tập trung lại, đếm ngược thời gian từ mười đến một và đúng 12 giờ đêm, tất cả mọi người hét lên: "Chúc mừng năm mới ". Sau đó, chúng tôi sẽ ôm bạn bè, gia đình và chúc nhau niềm hạnh phúc trong năm mới.

Tuy nhiên, với Tết Nguyên đán của Việt Nam thì khác hơn rất nhiều. Anh thích nấu món ăn Việt Nam và khá thành thạo việc bếp núc. "Tôi không thể làm nhiều món trong ngày Tết Nguyên đán như gói bánh chưng hoặc một số món ăn khác. Tuy nhiên, tôi cực thích món nem và tôi làm nó rất tốt”, anh hào hứng nói.

Thích nem rán và phở Việt

Michal Majkl Le là “ông giáo” có quốc tịch Cộng hòa Séc. Khác với David, Michal có dòng máu lai Việt nên anh được gia đình đưa đi khám phá nhiều hơn. Sau 3 năm theo học tại khoa Việt Nam học ở ĐH Hà Nội, hiện Michal là giáo viên tiếng Anh cho nhiều trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội.

Lần đầu tiên được bố cho đón Tết ở Việt Nam, Michal cho biết mình thực sự ngạc nhiên bởi không có bất cứ hàng quán nào mở cửa. Tất cả các bạn bè Việt Nam cũng đều về quê. Duy chỉ có bạn bè nước ngoài quây quần với nhau trong mấy ngày tết.

Michal cho biết mình thích phở và món nem (Anhr: NVCC)

“Ở quê hương tôi không có tết cổ truyền. Người dân cũng không chuẩn bị cho cái tết nhiều thứ như ở Việt Nam. Tết ở đất nước tôi, đơn giản chỉ là chúc nhau sau giờ phút giao thừa. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán ở Việt Nam thì nhiều nghi lễ hơn, nhiều lễ hội. Đặc biệt đầu năm, nhiều người thường đi chùa chiền để cầu bình an cho năm mới”, anh cho biết.

Được biết, 3 cái tết vừa qua, Michal được thăm thú họ hàng ở quê. Anh được gặp gỡ nhiều người, được chứng kiến những khung cảnh mà trước nay chỉ trong các câu chuyện bố kể. Đặc biệt tết năm nay, anh được gia đình đưa đi thăm thú chùa chiền để cầu cho năm mới an lành.

"Ông giáo" Michal trong giờ dạy (Ảnh: NVCC)

Qua câu chuyện của gia đình Michal, chúng tôi được biết, từ việc chỉ biết ăn bánh ngọt và uống sữa, Michal đã tự biết làm các món ăn Séc “lai” Việt rất ngon. Sau 3 năm ở lại Việt Nam, anh dần dần thích món cá kho. Và đặc biệt, có hai món Michal “nghiền” nhất trong dịp tết là nem rán và phở bò.

“Trong nem rán có rất nhiều thứ được xay ra làm nhân. Từ thịt, trứng, giá, cà rốt, nấm hương, mộc nhĩ... cuộn với bỏ bánh khi rán lên thơm giòn rất ngon miệng. Còn phở bò dễ ăn, mùi vị ngọt mát...”, Michal nói.

Theo Theo Dân Trí