Khi những đứa con biến thành... đồ đạc

Khi những đứa con biến thành... đồ đạc
TP - Luật tục của đồng bào theo chế độ mẫu hệ, khi vợ chết, người chồng nếu không tiếp tục “nối dây” với em hoặc chị vợ, thì sẽ về lại gia đình mình. Những đứa con khi ấy chỉ là thứ “đồ đạc” như cái chum cái ché, phải giao lại cho nhà vợ. Chuyện xảy ra ở vùng cao Phú Yên ngay thế kỷ 21.

Nối dây tận thế kỷ 21

Trung tuần tháng 3 năm 2013, theo đoàn Trợ giúp pháp lý lưu động (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Yên), chúng tôi đến thăm nhà chị Hờ Tóc ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh).

Lâm bệnh nặng, được gia đình chạy chữa nhưng không khỏi, chị Hờ Tóc qua đời, để lại 3 đứa con. Đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Vì trâu, bò, ruộng, rẫy… đều bán hết để chữa bệnh nên sau khi chị mất, gia cảnh khốn đốn.

Chuê nuê là một luật tục tồn tại từ lâu trong hôn nhân của người Êđê. Chuê là nối, còn nuê là một từ dùng để gọi người vợ hoặc chồng được thay thế.

Sau đám tang, do không có người để nuê (nối dây), anh Kso Y Lôi - chồng Hờ Tóc đã ra đi và cưới một người ở cùng xã làm vợ. Ba đứa con trả lại cho nhà vợ. Ông ngoại Oi Lâm, cha của Hờ Tóc phải nuôi ba đứa cháu mồ côi. Cuộc sống của bốn ông cháu lẩn quẩn đói nghèo, vì Oi Lâm đã trên 70 tuổi, mất sức lao động, trong khi lũ cháu quá nhỏ.

Ông Oi Lâm thở dài: “Già yếu thế này, nhưng vẫn phải đi cày, trồng củ khoai, củ sắn kiếm cái ăn cho chúng nó”.

Năm 1994, chị Hờ Nơ ở buôn Mùi, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) bị bệnh chết. Anh Nay Y Tí - chồng Hờ Nơ ra đi cưới vợ khác, bỏ lại 2 đứa con cho ông bà ngoại.

Theo luật tục, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, có thể là em gái vợ còn rất nhỏ hay thậm chí là người chị vợ già hơn mình, miễn là người đó chưa có chồng.

Nếu nhà vợ không còn người để nuê thì người chồng về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Ngược lại, nếu người chồng chết mà gia đình chồng không muốn mất của cải cũng phải đưa anh trai hay em trai chưa có vợ (của người đã mất) sang nhà thông gia để thực hiện tục chuê nuê...

Bắt được chồng, 13 năm chưa trả hết nợ cho nhà trai !

Tương tự hoàn cảnh của già Oi Lâm, mới 29 tuổi nhưng Hờ Riu ở buôn Ly (xã Ea Trol) trông rất già so với tuổi của mình. Đã nhiều năm qua, Hờ Riu một mình vừa làm mẹ vừa làm chị để chăm sóc 5 đứa em, quán xuyến mọi công việc trong gia đình.

Năm 1994, chị Hờ Rứch - mẹ của Hờ Riu sau khi vượt cạn sinh Y Rin mới tròn một tháng tuổi thì qua đời. Hơn một tháng sau, cũng do không có người để nuê, cha Hờ Riu dứt áo ra đi, bỏ lại gánh nặng gia đình cho đứa con gái đầu lòng mới 10 tuổi đầu là Hờ Riu.

Mặc dù được chính quyền địa phương và bà con trong buôn giúp đỡ rất nhiều nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình Hờ Riu. “Mẹ chết, cha bỏ đi, trong nhà không còn gạo để ăn, không có tiền mua sữa cho Y Rin bú. Em và hai đứa em lớn là Hờ Điêu, Y Đai phải đi làm rẫy, cuốc cỏ, chặt mía thuê cho người ta kiếm tiền mua gạo. Có bữa ăn cơm, nhiều bữa ăn sắn”, Hờ Riu ngậm ngùi kể.

Con gái Êđê khoảng 16-18 tuổi đã lập gia đình. Nhưng vì quá nghèo nên việc “bắt chồng” (theo chế độ mẫu hệ, người con gái sẽ bỏ tiền ra cưới chồng - NV) của Hờ Riu rất vất vả. Cuối cùng, năm 2000, Hờ Riu cũng “bắt chồng”, theo phong tục thì phải nộp cho nhà trai rất nhiều lễ vật.

Những lễ vật nhỏ như ché rượu cần, vòng đeo tay bằng đồng, khăn, áo… Hờ Riu lo được. Lễ vật là một con bò sống để nộp cho nhà trai, một con bò chết để đãi người trong buôn… thì Hờ Riu lo không nổi.

Theo thống kê của cán bộ LĐ-BT&XH xã Eatrol, thì hiện ở xã này có gần 20 cháu mồ côi vì tục chuê nuê.

Nếu như người Êđê có tục chuê nuê, thì đồng bào dân tộc Chăm H’roi ở Phú Yên cũng có luật tục tương tự, với tên gọi mă kơ mai. Gia đình Mí Ninh ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đang gánh chịu những hệ quả đau buồn từ luật tục này.

Năm 2006, sau khi sinh con được 4 tháng, chị Sô Thị Mãi - con gái của Mí Ninh bị bệnh nặng qua đời. Không lâu sau, anh Sô Minh Ngọc - chồng chị Mãi đi cưới vợ khác ở huyện Đồng Xuân, để lại cho Mí Ninh 3 đứa cháu ngoại.

Hằng ngày, dù tuổi cao sức yếu, nhưng bà ngoại Mí Ninh phải cáng đáng đàn cháu và đứa con bị bệnh tâm thần. May nhờ có một người con gái của Mí tên là Sô Thị Hoa cung cấp gạo, mắm… cho gia đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.