Khi nhà văn bận rộn cùng EURO

0:00 / 0:00
0:00
Góc Phạm Xuân Nguyên viết về EURO trên báo điện tử
Góc Phạm Xuân Nguyên viết về EURO trên báo điện tử
TP - Bóng đá, môn thể thao vua hấp dẫn tất cả mọi người, dù ở quốc gia nào, thành phần nào. Dĩ nhiên, nhiều nhà văn, nhà thơ cũng là tín đồ bóng đá, nhất là trong mùa EURO này.

Sợi dây liên tưởng

Nhà thơ Thạch Quỳ rất mê bóng đá. Những trận đấu nào có đội tuyển Việt Nam, ông sẵn sàng “dự đoán tỷ số” và được tiếng là “Đoán đâu trúng đó” đến mức có lần ông từ chối đưa ra kết quả trận đấu ở vòng loại World Cup của Việt Nam vì sợ “đoán nhiều mất thiêng!”.

Với các nhà văn nhà thơ, xem bóng đá không chỉ xem bóng đá mà còn xem và ngẫm nghĩ về cuộc đời, về tạo hóa xoay vần.

Mới đây, nhà thơ Thạch Quỳ đã viết những dòng cảm tưởng khi xem giải EURO 2020 như sau: “Xem bóng đá châu Âu: Các đội bóng thần tượng của tuyên truyền đã lần lượt đẩy xe ba lô trở về cố quốc nhường quyền lại cho sự thật là thực lực ở trên sân cỏ. Đúng thế! Cứ vào tay bo với nhau ở trên sân cỏ, các thần tượng bóng đá sẽ tự biết mình là ai ? Giá cuộc đời này cũng có một vài phần trăm sự sòng phẳng như là sự sòng phẳng của bóng đá?”.

Giữ mục

Nhà thơ Anh Ngọc thì được báo Quân đội Nhân dân hai lần gọi điện hỏi dự đoán kết quả các trận đấu EURO. Nhà thơ cho biết do sức khỏe yếu nên không thể theo dõi được hết các trận đấu nhưng cũng vẫn mạnh dạn đưa ra dự đoán. Có những trận nhà thơ Anh Ngọc đoán đúng, song bên cạnh đó cũng có trận kết quả ngược lại. Bởi vậy, ông thốt lên rằng: “ÔI BÓNG ĐÁ, ÔI EURO... Đoán thua thì nó thắng... Thế là vô địch thế giới chào thua EURO...”.

Các nhà văn nhà thơ dĩ nhiên không phải chuyên gia bóng đá, nhưng bóng đá sinh ra không phải chỉ để dành riêng cho các chuyên gia mà cho tất cả mọi người, trong đó có các nhà văn nhà thơ. Nhiều tờ báo thích mời các nhà văn nhà thơ giữ chuyên mục bình luận bóng đá, vì trước hay sau mỗi trận đấu người ta lại thích những bình luận những cái nhìn có gì đó… khác lạ về bóng đá. Trước đây, nhà thơ Thanh Thảo rất hay viết bình luận về bóng đá, dù từ lâu ông không có đá bóng.

Bản thân tôi là một phóng viên, từng tham gia nhiều tờ “Tin nhanh EURO”, “Tin nhanh World Cup” của báo Tiền Phong cũng được giao phỏng vấn các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ về bóng đá. Thậm chí có lần tôi phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghe hỏi về bóng đá, ông rất thích, cứ nói chuyện mãi không chán.

EURO năm nay, tờ Dân Việt mời dịch giả Phạm Xuân Nguyên viết về bóng đá và mở hẳn một chuyên mục gọi là “Góc Phạm Xuân Nguyên”. Anh Phạm Xuân Nguyên cứ thế mà “cày” từ đầu giải tới nay.

Cách nhìn của nhà văn, dịch giả cũng khác với mọi người. Ví dụ trong trận khai mạc, Phạm Xuân Nguyên lại viết bài về trọng tài dự bị cho trận đấu đấy, là một trọng tài nữ (Nữ trọng tài người Pháp Stéphanie Frappart). Do trọng tài chính bắt tốt nên chẳng ai biết gì về nữ trọng tài dự bị! Cũng quả là một thiệt thòi cho cô trong trận khai mạc.

Biến tấu

Nghĩ đến việc bình luận, viết về bóng đá người ta hay nghĩ tới các nhà văn là nam giới, thích la cà, thích nhận định. Nhưng ít ai biết nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, một người rất mê bóng đá Đức lại đang ngày đêm từ Hà Nội mà hướng “ăng ten” của mình đến các sân cỏ châu Âu.

Số là nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đang giữ chuyên mục “Biến tấu EURO” cho một tờ báo của TTXVN. Có mấy người đến được nhiều sân trên thế giới, xem nhiều trận đấu lớn như nhà thơ Đoàn Ngọc Thu? Là cổ động viên của tuyển Đức, cô rất lo lắng cho cỗ xe tăng. Cô nói với tôi: “Đội Đức có lực lượng rất tốt, vấn đề là HLV sử dụng họ như thế nào thôi”. Khi viết “Biến tấu EURO” nhà thơ không bàn nhiều về chuyên môn mà nói về những sắc màu của bóng đá. Môn thể thao hàng tỷ người theo dõi này, ngoài bóng đá, nó còn chuyển tải nhiều thông điệp nhân văn khác nữa.

Chẳng hạn nhà thơ Đoàn Ngọc Thu viết về “ánh màu cầu vồng từ chiếc băng trên tay đội trưởng Manuel Neuer và mong muốn đẹp đẽ của người Đức, bóng đá Đức, các cầu thủ Đức đã chuyển tải thông điệp của họ một cách rõ ràng và kiên định: Vì một thế giới không có sự kỳ thị, không có sự phân biệt. Một thế giới bình đẳng và nhân quyền”.

MỚI - NÓNG