Một vài khoảnh khắc trong “dongvui harmony” |
Thú vị hay bị lai tạp, cưỡng bức?
Fan của Đen Vâu, lực lượng “đồng âm” khuynh đảo dành vô vàn lời khen cho “Sếp”: “Một tác phẩm siêu kinh điển”; “Cảm giác mà Đen và dàn nhạc mang đến không thể diễn tả bằng lời”; “Một sự kết hợp không tưởng quá ấn tượng”; “Sản phẩm này không phải là thuốc. Đây là thực phẩm chức năng của tâm hồn”… Có những lời khen quá mức thành… đáng ngại: “Bây giờ khi cần nghe giao hưởng đã có lựa chọn yêu thích của riêng Việt Nam không cần nghe giao hưởng quốc tế nữa”. “dongvui harmony” nhanh chóng lọt top thịnh hành YouTube ngay sau khi ra mắt tối 9/11 với gần nửa triệu lượt xem. Sau hơn 2 ngày đã đạt 1,4 triệu lượt xem.
Nhưng sự kết hợp giữa rap và dàn nhạc giao hưởng vẫn gây tranh cãi với người trong giới. Tôi chia sẻ “dongvui harmony” với một nhạc sỹ chuyên dòng khí nhạc để ông thưởng thức và đánh giá. Nhưng ông kiên quyết không nghe: “Tôi không thích sự lai tạp này. Rap là rap. Giao hưởng là giao hưởng”. Ông cho biết, đã từng thưởng thức jazz kết hợp giao hưởng song “bắn” rap trên nền nhạc giao hưởng thì... chưa thấy bao giờ.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Nếu đừng suy diễn thì “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” cũng không hại gì cho xã hội, cho văn hóa đâu |
Tác giả “Quê em mùa nước lũ” cũng nhìn nhận tương tự cha đẻ của nhiều tác phẩm khí nhạc được biểu diễn trên sân khấu trong nước và quốc tế. Nhạc sỹ Tiến Luân bình luận sau khi nghe “dongvui harmony” như sau: “Nó bị cưỡng bức, khập khiễng quá. Rap không có gì đặc sắc, nương nhờ cái áo choàng của giao hưởng. Người ta nghe giao hưởng là chủ yếu, rap không dính dáng gì hết trơn, chẳng qua núp bóng giao hưởng thôi”. Tác giả “Quê em mùa nước lũ” tán đồng sáng tạo, làm mới trong nghệ thuật nhưng “làm mới phải nghe được mới được”: “Ở ta cứ 1 người làm thành công thì 80 người đổ xô làm theo mô hình, kiểu “dongvui harmony” chỉ đang là thể nghiệm thôi, chưa thể nói là thành công, dù lượt xem cao ngất ngưởng. Nghe rap không có nhạc nền, nhạc đệm còn chú ý phần lời, đã dính đến giao hưởng thì tôi nghe nhạc không nghe rap”. Ở Việt Nam những năm gần đây xu hướng kết hợp với dàn nhạc giao hưởng đang thịnh trên sân khấu ca nhạc. Còn nhớ trong “Q Show 2” hồi cuối năm 2019, “nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên từng khoe, dàn nhạc giao hưởng sẽ thăng hoa cùng chị, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Mỹ Lệ đánh dấu 10 năm theo nghiệp đàn ca cũng bằng đêm nhạc symphony. Những ca khúc như “Tình nghệ sỹ”, “Mắt biếc”, “Phụ nữ thân gầy”… đều được hòa âm lại theo phong cách bán cổ điển. Mỹ Lệ cũng không ngại thổ lộ ao ước được đứng hát cùng dàn nhạc giao hưởng.
Trở lại với “dongvui harmony”, có phải Đen Vâu là người đầu tiên kết hợp rap với giao hưởng ở ta? Tại concert “Vườn thịnh vượng”, hồi đầu năm 2021, đã đánh dấu rap và nhạc giao hưởng “bắt tay nhau”. Nhưng tạo hiệu ứng mạnh với khán giả về sự kết hợp này thì “dongvui harmony” hơn hẳn.
Nhạc sỹ Quốc Bảo lại hoàn toàn ủng hộ sự sáng tạo của Đen Vâu. Tác giả “Tóc nâu môi trầm” chia sẻ quan điểm của mình: “Việc pha rap với giao hưởng theo tôi nên nhìn nhận cởi mở hơn chút: Đó là sự giao thoa giữa nhạc đường phố và nhạc cổ điển, thú vị lắm chứ!”.
Một vài khoảnh khắc trong “dongvui harmony” |
Nếu “đếch” tràn lan sẽ lệch chuẩn!
Từ điệp khúc “Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em” tôi đặt câu hỏi với nhà ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình: Nguồn gốc của chữ “đếch” và nghĩa của nó? Đáp án của ông: “Từ “đếch” vốn là từ chỉ bộ phận sinh dục của nữ. Nhưng kể cả không truy nguồn gốc của từ thì từ đó cũng được hiểu là từ xấu, thông tục”. Có nên đưa “đếch” vào một sản phẩm giải trí hay không, theo ông? Tôi hỏi tiếp. PGS.TS Phạm Văn Tình phân tích: “Thực ra những câu thô tục trong văn bản nghệ thuật không phải không có. Thí dụ Tố Hữu viết: “Mả bố nhà nó/Nịnh Tây hết thời” trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”. Hay trong “Văn tế Francis Garnier” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: “Khốn nạn thân ông - Đ? mẹ cha nó”. Rõ ràng, những câu thô tục ấy nằm trong ngữ cảnh cụ thể. Đối tượng họ nói đến là đối tượng đáng khinh bỉ. Mà thực ra, những câu thô tục cũng rất hạn chế, chỉ xuất hiện trong một số tác phẩm văn chương. Ở nhạc trữ tình thì càng không có. Quay lại với Đen Vâu. Rap cũng là nghệ thuật tuy lời dân dã, xô bồ, có tính khẩu ngữ. Ở rap có thể có sự pha trộn nhất định về ngôn từ. Nhưng nói gì thì nói, vẫn không phải loại ngôn từ như “đếch”. Bất luận trường hợp nào, dùng “đếch” cũng khó chấp nhận. Chúng ta đừng lấy văn hóa phương Tây làm chuẩn. Đừng đổ lỗi cho phương Tây, cho xuất xứ của rap. Đã là văn minh thế giới thì lịch sự ngôn từ cơ bản giống nhau”.
Rất đời hay láo?
Một khán giả sinh năm 86 cho biết, cô cảm thấy “sốc” khi lần đầu nghe “Anh đếch cần…”: “Từ kiểu “chợ” như vậy được Đen sử dụng gây ngạc nhiên cho tôi. Đành rằng, rap không cần câu từ hoa mỹ nhưng ngôn ngữ bình dị khác với ngôn ngữ để mắng, chửi nhau. Nói thật tôi thấy từ “đếch” hơi láo”. Cô cũng không thích “dongvui harmony”: “Tôi thích rap kiểu truyền thống hơn. Nghe đã hơn”.
Một giáo viên dạy văn thế hệ 7x lại khen “dongvui harmony”, đặc biệt khen “...đếch cần gì”: “Bụi bặm mà vẫn trữ tình. Yêu kiểu này mới đích thực được yêu. Rất đời”. Chị cũng khen rap kết hợp với giao hưởng: “Quý tộc bác học gần hơn với bình dân. Sự kết hợp đã khiến không khí đường phố dân dã của rap trở nên lãng đãng, không bị xoàng xĩnh. Đen có vẻ ngoài rong chơi nhưng đến với nghệ thuật lại thật sự có “gu” gây mê tơi”.
Tác giả “Quê em mùa nước lũ” cho rằng: “Rap thì thô tục, có khi kèm cả chửi thề. Loại hình này hợp với phương Tây hơn phương Đông. “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, giới trẻ nghe được, người lớn thì chịu không được. “Đếch” thiếu tính mỹ học. Đành rằng rap gắn với ngôn ngữ đường phố. Đã là ngôn ngữ đường phố thì không thể đòi hỏi cao sang nhưng không nên tùy tiện. Đừng quan niệm cứ đưa lời lẽ thô tục vào mới là rap”. Người vui tính của làng Văn, thi sĩ Trần Nhương cũng tán đồng quan điểm của nhạc sỹ Tiến Luân: “Tôi cũng nghĩ như ông Luân. Khi đã thành sản phẩm cho công chúng nghe thì dù sao vẫn cần sự đẹp. Không thể thô tục. Có thể hát với nhau “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” song khi đã đưa ra công chúng thì phải khác. Rap xuất xứ Tây về Ta phải có nét Ta. Đưa chất Việt vào rap mới hay, đưa chất thô tục đường phố, đưa cả bề bộn của đời sống tục tĩu, ngôn tình lăng nhăng vào thì ai chịu được? Tôi nhắc lại: Đã là sản phẩm dành cho công chúng nên hay và đẹp. Tôi ủng hộ lớp trẻ, ủng hộ rap. Nhưng theo tôi, các bạn nên lựa chọn ngôn từ. Nên mang cái đẹp đến cho nhau, chứ sao lại tặng nhau thứ xô bồ?”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh không phản đối dùng “đếch” song cũng không cổ vũ nhiệt tình dùng “đếch” trong lời rap: “Tùy bối cảnh thôi, không phải chỗ nào cũng nên đưa vào. Còn “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” tôi thấy cũng được, chẳng sao vì đời thường bây giờ nhiều bạn trẻ nói thế thật. Rap thì ào ào, có từ tốn gì đâu? Đưa “đếch” vào thơ, vào nhạc trữ tình thì không được nhưng với rap lại được”. Ông cười, thừa nhận: “Tuổi tôi cao rồi, không thể hiểu lớp trẻ. Có khen hay chê thì chúng cũng kiên quyết không nghe. Nếu đừng suy diễn thì “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” cũng không hại gì cho xã hội, cho văn hóa đâu”.
PGS.TS Phạm Văn Tình: Bất luận trường hợp nào, dùng “đếch” cũng khó chấp nhận |
Nhạc sỹ Quốc Bảo cũng nhìn nhận như nhà văn Trung Trung Đỉnh: “Với rap thì “đếch” chấp nhận được vì đó là ngôn ngữ đường phố”. Nhà giáo, GS.TS Trần Ngọc Vương chia sẻ, ông có nghe tên Đen Vâu. Riêng “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của Đen Vâu, GS.TS Trần Ngọc Vương bình luận: “Nó đứng cheo leo giữa thanh và tục. Không quá tục tĩu nhưng vẫn là ngôn ngữ tục, là từ mắng mỏ, chửi bới theo ngữ nghĩa thông dụng”. Theo ông, bạn trẻ dùng từ “đếch” chẳng qua vì tâm lý nổi loạn, nói quá lên một chút. Nhưng nếu từ “đếch” được sử dụng thường xuyên trong đời sống và trên sân khấu biểu diễn thì sẽ “loạn chuẩn xã hội”, GS.TS Trần Ngọc Vương cảnh báo.