Khi cơ quan thành 'đại gia đình'

Khi cơ quan thành 'đại gia đình'
TPO - Trưởng phòng là chị gái, đồng nghiệp là vợ của anh chồng, lái xe cơ quan là chồng, bác thủ quỹ phát lương là bác của người yêu em trai... Những mối quan hệ lòng vòng lẫn lộn khiến không ít người chấp nhận “dứt áo ra đi” tìm một công việc mới.

Cái tin T. Thư rời bỏ dự án RDAPR với mức lương 500$/ tháng về làm cho một công ty tư nhân chỉ với 4 triệu/tháng khiến cả gia đình ngỡ ngàng.

Ai cũng phản đối quyết liệt, chỉ trừ… Tùng- chồng cô. Anh hiểu hơn ai hết lý do mà cô bỏ việc.

Dự án mà Thư đang làm là một dự án lớn của Úc, do một người bạn của bố mẹ cô làm giám đốc. Đầu tiên, cô quyết định nhận lời mời của chương trình vì thấy nó đúng với chuyên ngành của mình, mức lương cũng khá hậu hĩ, lại được đi đây đi đó nhiều.

Thế nhưng, vào được vài tháng, vô tình biết được một đồng nghiệp là bà bác của người Tùng (khi đó còn là chồng chưa cưới), cô đã khá ngán ngẩm.

“Suốt ngày đến cơ quan, ăn gì, mặc gì, nói gì, đi với ai cũng phải giữ ý giữ tứ trước mặt bác, chán lắm. Hồi đó, Thư tiếp tục công việc cũng chỉ vì không muốn từ bỏ một chỗ ổn định.”- Thư tâm sự.

Đến khi kết hôn với Tùng, công ty của cô bỗng dưng xuất hiện thêm vài thành viên trong gia đình mới. Bác của Tùng xin cho anh về làm lái xe của công ty. Vợ của ông anh chồng chuyển về làm trưởng phòng marketing. Đến cả cô bạn gái của em trai Thư cũng được “triệu tập” về làm chân kế toán. Công sở bỗng nhiên biến thành nơi tụ tập của... bà con họ hàng trong đại gia đình cô.  

Nhiều đồng nghiệp trêu đùa, công ty giờ như nhà của Thư. Vợ chồng, anh chị, bác cháu cùng chỗ làm, ngại ngần đủ thứ chuyện, rồi nhiều việc vô cớ không hay lại nảy sinh. Hai vợ chồng Thư đã trò chuyện và cuối cùng quyết định, Thư chuyển chỗ làm.

Ngại chạm mặt vì sợ… nhàm

“Ở nhà cũng gặp nhau, lên cơ quan cũng gặp nhau. Gặp nhiều nên sợ… chán”. Đó là tâm sự rất thật của T. Duy, hiện đang công tác tại một chi nhánh điện lực của Hà Tây tại Hà Nội.

Vợ anh là thủ quỹ của cơ quan, em gái vợ là nhân viên văn phòng, anh là trưởng phòng nhân sự. Làm việc cùng nhau thì không thể không gặp nhau, trưa phải đi ăn cùng nhau. Liên tục ngày nào cũng như ngày nào, Duy “sợ” lắm, nhưng không dám nói thẳng với vợ.

Song, dường như Minh- vợ anh cũng có chung suy nghĩ. Tháng vừa rồi, đột nhiên cô giới thiệu cho anh một công việc mới. Mức lương ở công ty mới khá ổn nên anh nhanh chóng quyết định đổi chỗ làm. “Thoát được 2 chị em, tha hồ tung hoành”- Duy tếu táo.

Dù là vợ chồng nhưng cũng cần có khoảng trời riêng. Sáng gặp, trưa gặp, tối gặp, đã cùng công ty thì không thể anh đường anh, tôi đường tôi, mất hết tự do là lý do không nhỏ khiến nhiều đôi nảy sinh mâu thuẫn. Giải pháp tốt nhất cho những trường hợp trên vẫn là một người thay đổi công việc.

Không phải “gia đình công sở” nào cũng khiến một thành viên phải tìm kiếm công việc mới. Có những người xem đó là một điều thú vị, là thuận lợi giúp họ tiến hành công việc tốt hơn. Song, với đa số người trẻ tuổi, đó vẫn là điều mà họ luôn cố gắng tránh không vấp phải.

MỚI - NÓNG