Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?
TP - Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư, quy định kiểm soát đặc biệt với các tổ chức tín dụng (TCTD). Khi nào, một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và có nên cho phép ngân hàng phá sản?

Việc sửa đổi quy định về kiểm soát đặc biệt với TCTD, theo các chuyên gia, là cần thiết.

Theo dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến, thì kiểm soát đặc biệt được giải thích là việc một TCTD được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Mà thước đo là số lỗ luỹ kế của TCTD đã vượt qua giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD có thể gây mất an toàn cho hệ thống. Bên cạnh đó, TCTD bị kiểm soát sẽ phải báo cáo 15 chỉ tiêu tài chính cụ thể theo yêu cầu của Ban Kiểm soát đặc biệt hằng ngày. Thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa là 2 năm.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt, giới ngân hàng quan tâm nhất ở đây là sau 2 năm kiểm soát thì tiếp tục xử lý ra sao. Nếu tình hình hoạt động của ngân hàng đó tốt lên thì không sao, còn nếu không, có tính đến việc giải thể hay không. Vấn đề này cũng cần có quy định cụ thể. Ngân hàng dù sao cũng là doanh nghiệp, cần xem việc phá sản, giải thể là bình thường.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc kiêm Chánh thanh tra NHNN Hà Nội, cho hay cần phân định rõ ở đây kiểm soát đặc biệt là có việc NHNN sẽ tham gia kiểm tra tất cả hoạt động của ngân hàng đó, còn nếu chỉ bị giám sát đặc biệt thì chỉ đứng bên ngoài kiểm tra, có ý kiến nếu cần. Theo ông Hùng, dự thảo Thông tư còn phải chờ lấy ý kiến nhưng ông cũng cho rằng nợ xấu chưa phải là thước đo toàn diện khi nói về giám sát đặc biệt, bởi trong cơ cấu tín dụng nợ xấu còn phụ thuộc nhóm nào (3,4 hay 5) và có khả năng mất vốn hay không. Sở dĩ chưa có chuyện phá sản, không phải vì thiếu luật mà vì Việt Nam chưa cho phép, bởi nếu ngân hàng mà tuyên bố phá sản thì hệ lụy sẽ rất lớn. Theo kinh nghiệm, chỉ nên quy định trường hợp NHNN sẽ hỗ trợ dưới hình thức nào đó để các ngân hàng yếu được mua lại.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN, cho rằng xu thế sáp nhập những ngân hàng bé và hoạt động kém hiệu quả vào những “ông lớn” là không thể tránh khỏi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG