Ông Liễu nói: Hiện nay việc giao các đề tài nghiên cứu thực hiện theo cơ chế tuyển chọn và xét giao trực tiếp. Xét giao trực tiếp có nhiều điều kiện như nghiên cứu nằm trong bí mật quốc gia hoặc chỉ một đơn vị làm được do có cơ sở hạ tầng, con người, hoặc đơn vị ấy đang làm nhiệm vụ đó rồi. Còn lại, các đề tài nghiên cứu có từ hai đơn vị thực hiện được thì tuyển chọn.
Về quy trình, Bộ KH&CN, sau khi nhận được đề xuất đặt hàng sẽ thành lập Hội đồng xây dựng danh mục các đề tài. Với từng đề tài, khi tổ chức xét chọn sẽ đăng tải công khai trên báo, Cổng Thông tin điện tử của Bộ trước một tháng.
Nói là minh bạch nhưng vì sao nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng cơ chế xin-cho đang lộng hành, thưa ông?
Chuyện tiêu cực ở đâu cũng có, điều quan trọng nhất là cơ chế để hạn chế điều này. Tôi nghĩ rằng cơ chế hiện nay đã hạn chế được nhiều tiêu cực vì thực hiện tuyển chọn. Hội đồng tuyển chọn không phải do đơn vị quản lý đề tài tự đề xuất thành lập. Trước kia có trường hợp đưa ông nọ ông kia vào hội đồng để lái kết quả, nhưng bây giờ thì khác. Trường hợp TS Trần Thị Ngọc Lan, tôi chưa nắm rõ phản ánh ấy nhưng tôi nghĩ có thể có nhiều lý do. TS Lan có thể chưa nắm vững quy trình đề xuất nhiệm vụ của mình.
Thưa ông, hiện nay mức cấp kinh phí cho nghiên cứu khoa học có phù hợp?
Số lượng nhà khoa học trên dân số Việt Nam là không cao nhưng ngân sách dành cho nghiên cứu lại ít ỏi. Mỗi năm ngân sách nhà nước dành 2% chi cho ngành KHCN. Phần thực giao dưới 2% vì để một phần dự phòng và an ninh quốc phòng. Năm 2015 khoảng 17.300 tỷ đồng. Trong đó, hơn 40% dành cho cơ sở hạ tầng, 40% chi thường xuyên (tức chi phí trả lương cho bộ máy của cơ quan khoa học công nghệ), chỉ còn gần 20% cho nghiên cứu (khoảng 3.850 tỷ đồng) cho cả cơ sở và quốc gia. Nếu chia cho 14.000 cán bộ KHCN trong cả nước thì rất thấp. Mỗi viện nghiên cứu chỉ được hơn 1 tỷ đồng, mỗi cán bộ hơn 30 triệu đồng, rất thấp trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhà khoa học đừng nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, đề tài Nhà nước giao…
Cảm ơn ông.