Trao đổi với phóng viên, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho biết, trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và CSGT được phép dừng phương tiện kiểm tra khi có kế hoạch được cấp có thẩm quyền triển khai.
Theo đó, tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định quyền hạn của CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Lực lượng CSGT còn được xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật…
Còn tại Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định các trường hợp CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Ngoài ra, CSGT được dừng phương tiện kiểm tra khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, việc dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông và khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thượng tá Quỹ, vừa qua Cục CSGT ban hành kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa là đợt cao điểm tập trung xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó có việc phát hiện, xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích.
“Thời gian vừa qua trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, trong đó vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương làm 16 người thương vong có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, do vậy trong quá trình CSGT kiểm tra phát hiện sớm có thể phòng ngừa, ngăn chặn được những vụ tai nạn thảm khốc tương tự” – thượng tá Quỹ nói.
Thượng tá Quỹ cũng cho biết, việc kiểm tra ma túy, nồng độ cồn có thể diễn ra rất nhanh để tránh gây phiền hà, bức xúc cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, lực lượng CSGT còn kiểm tra giấy phép lái xe của người tham gia giao thông có phù hợp với phương tiện, phương tiện tham gia giao thông có đủ điều kiện để lưu hành, còn niên hạn sử dụng hay không,…
Vị nguyên cán bộ xử lý vi phạm cũng khuyến cáo mọi người trước khi điều khiển phương tiện cần có trách nhiệm với xã hội, với bản thân, nếu đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện. Còn những doanh nghiệp, chủ phương tiện khi thuê người điều khiển trước khi họ ôm vô lăng thì phải kiểm tra giấy phép lái xe của họ có phù hợp hay không, có sử dụng chất kích thích hay không…