Ngày 22/6, BV Chợ Rẫy thông tin về quá trình điều trị bệnh nhân 91 và khả năng xuất viện của bệnh nhân.
Theo GS- TS- BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, bệnh nhân đảm bảo các tiêu chí để có thể xuất viện. Tuy nhiên, thời gian xuất viện chưa nói trước được.
"Bệnh nhân cần thêm thời gian để đi đứng bình thường, mặc dù các chức năng cơ quan trở về bình thường. Hiện bệnh nhân chuyển sang giai đoạn điều dưỡng phục hồi. Thời gian bệnh nhân có thể xuất viện do Ban Chỉ đạo Quốc gia chống dịch, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế cân nhắc, quyết định" - BS Thảo nói.
Ghi nhận tình hình bệnh nhân đến thời điểm hiện tại, sức khỏe rất khả quan. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc, giao tiếp bằng lời nói, các hoạt động cung cấp oxy giảm, ban đêm thở oxy 0,5 lít một phút. Kết quả chụp CT ngực cho thấy 85% phổi hồi phục. Tình trạng nhiễm trùng đã hết.
Bệnh nhân có thể cầm nắm, tự ăn, viết, sử dụng điện thoại. Sức cơ chân hồi phục khá, co chân bình thường. Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu, tập bước và đứng lên cơ chân. Chức năng các cơ quan khác hầu như trở về bình thường, đặc biệt là hệ miễn dịch.
“Giữ bệnh nhân không tử vong là điều quan trọng nhất. Cứu được bệnh nhân là nhờ ý chí quyết tâm của cả ngành y tế, các ban ngành, không chỉ là thành công của một đội ngũ hay một bệnh viện” - BS Thảo nhấn mạnh.
Nhớ lại những ngày đầu bệnh nhân về điều trị tại BV Chợ Rẫy, BS CKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, ngay trong tuần đầu tiên, bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO, máy thở. “Phổi bệnh nhân còn tổn thương nặng, nên bệnh nhân càng gắng sức, nguy cơ vỡ phổi càng cao. Nguy cơ rớt nhịp tim, ngưnag tim rất cao” – BS Linh nói.
Theo BS Linh, qua trường hợp bệnh nhân 91, nhiều group BS tại BV sẽ có nhiều kinh nghiệm cho những bệnh nhân sau.
Đến nay, phi công Anh đã qua 94 ngày nằm viện, là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất. Anh nằm tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM 65 ngày (18/3 đến 22/5). Sau đó, bệnh nhân tiếp tục chuyển đến BV Chợ Rẫy từ ngày 22/5.