Khi lòng trắc ẩn là miếng mồi

0:00 / 0:00
0:00
Khi lòng trắc ẩn là miếng mồi
TP - Hiện tượng đăng thông tin giả mạo lừa đảo hoặc lợi dụng lòng nhân ái để kêu gọi quyên góp từ thiện sau đó chiếm đoạt đang phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy. Hành vi bất nhân này khiến nghĩa cử nhân văn, nhân bản bị tổn thương.

Kêu gọi từ thiện để lấy tiền tiêu xài

Cuối tháng 9, Công an tỉnh Bắc Giang làm rõ, Chu Thị Tuyết (22 tuổi, ở xã Mai Đình, Hiệp Hòa) có hành vi sử dụng tài khoản trên mạng xã hội đưa thông tin giả, sai sự thật về những người có hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi cá nhân, tổ chức ủng hộ tiền.

Tuyết khai với cảnh sát, nguyên nhân nảy sinh ý định lừa đảo do không có công ăn việc làm ổn định, cần tiền chi tiêu. Từ cuối tháng 7/2021, Tuyết tạo tài khoản tên “Chu Thị Tuyết” thường xuyên lấy hình ảnh những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật để đăng bài trên các trang Facebook tuyển dụng việc làm như “Khu công nghiệp Song Khê, Vân Trung, Bắc Giang”, “Tuyển dụng KCN Yên Phong”, “Tuyển dụng KCN Hiệp Hòa”… để kêu gọi mọi người ủng hộ tiền.

Một diễn biến khác ngày 14/10, Công an TP Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố La Hữu Trí về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan công an, từ cuối năm 2018, để có tiền tiêu xài cá nhân, Trí nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách lập trang web tên “Bạn Toàn Thắng Security” để lừa tiền của những người có nhu cầu mua súng bắn đạn cao su.

Khi khách hàng gọi đến, Trí tự xưng là Lê Thanh Hoàng, nhân viên bán hàng của một Công ty Security (có địa chỉ tại TP HCM), rồi yêu cầu người mua chuyển tiền trước, sau đó Trí giao hàng bằng cách gửi xe dịch vụ. Nhưng sau khi khách chuyển tiền, Trí không chuyển hàng như thoả thuận.

Linh mục Francis: Phạm trù bác ái và thiện nguyện khác nhau. Bác ái là hành vi yêu thương. Bác là to lớn. Người Công giáo hay nói tới bác ái. Còn thông thường người ta nói tới thiện nguyện. Thiện nguyện hay từ thiện. Từ là từ bi, là yêu thương. Làm việc thiện vì yêu thương. Nhưng, nếu vì bất cứ lý do gì thì đâu còn tự nguyện nữa.

Bằng thủ đoạn trên, Trí đã chiếm đoạt tiền của nhiều người tại các tỉnh thành như: TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Cần xử nặng với hành vi trục lợi lòng hảo tâm

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá, chuyên gia phân tích tội phạm Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho biết, hiện tượng trục lợi và lừa đảo “lòng nhân ái” diễn ra khá phổ biến, cơ quan điều tra các địa phương đã bắt, xử lý hình sự nhiều cá nhân chiếm đoạt tiền, tài sản từ thiện.

Theo trung tá Hiếu, bản chất con người luôn muốn thỏa mãn vật chất, xuất phát từ đó có thể dẫn cả người có trình độ học thức và thất nghiệp, nghèo khó, ham chơi lười lao động đến con đường lừa đảo, bội tín.

Theo trung tá Hiếu, hiện lòng tin của nhiều người đang bị xói mòn bởi các thông tin cáo buộc một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức hoạt động từ thiện để trục lợi. Từ đó, dẫn đến tình huống nhiều người có tấm lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác trong hoạn nạn nhưng lại e ngại số tiền phát tâm thiện nguyện của mình không đến đúng địa chỉ, nên không tham gia vào các hoạt động nhân đạo.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, người sử dụng mạng xã hội để lập các fanpage kêu gọi từ thiện, rồi chiếm đoạt tài sản thì cần áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng.

Khi lòng trắc ẩn là miếng mồi ảnh 1

“Hậu quả cuối cùng là người cần cứu giúp sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. Chính vì thế, cần chấn chỉnh lại hoạt động từ thiện nhân đạo, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực để răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi, kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào”

Trung tá Đào Trung Hiếu nêu quan điểm

Theo ông, người dân Việt Nam có một truyền thống vô cùng tốt đẹp, đó là tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tuy nhiên, việc một số đối tượng lợi dụng tình thương của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là hiếm. Thực tế, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ lừa đảo thông qua việc lập các trang mạng xã hội như ủng hộ bão lụt ở miền Trung 2020 hay quyên góp phòng chống dịch COVID-19.

Luật sư Hùng cho rằng, để ngăn chặn việc “lợi dụng lòng nhân ái” để lừa đảo, cần phải xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận động từ thiện của cá nhân, tổ chức. Việc này sẽ hạn chế tối đa vận động từ thiện một cách tự phát, đồng thời là căn cứ để xác định hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động này.

“Đối với chính bản thân, mọi người cũng cần phải có sự cảnh giác, phải tự kiểm duyệt thông tin, không nên chuyển tiền cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào nếu cảm thấy những thông tin đó vô căn cứ”, luật sư Hùng khuyến cáo.

Linh mục Francis, giáo phận Phát Diệm chia sẻ: Thiện nguyện là làm việc thiện vô vị lợi. Còn vị lợi, dù là vị kỷ, nghĩa là tự sướng... làm thấy vui vì giúp được người khác, chưa hẳn là thiện nguyện đúng nghĩa. “Theo tôi, những người làm việc thiện thực sự thường âm thầm không phô trương”, vị linh mục nói.

Linh mục Francis trích dẫn sách Kinh Thánh cho thấy, tiêu chuẩn của việc thiện. Việc làm từ thiện có ý nghĩa rất quan trọng, nó vừa mang ý nghĩa nhân văn đậm tình người vừa gắn kết giữa con người với nhau. “Nếu việc thiện được thực hiện đúng người sẽ giúp cho những người không may mắn thay đổi cuộc sống, thậm chí còn cứu mạng được những người bần cùng cơ cực, những phận đời đi vào ngõ cụt”- Linh mục Francis nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.