Trong hai ngày 22 và 23 tháng 12/2022, hơn 20 họa sỹ của dự án Rừng Xòe đã thực hiện một dự án nghệ thuật cộng đồng. Đó là giao lưu, hoạt động nghệ thuật, triển lãm tại một không gian đặc biệt: Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa. Dự án được chuẩn bị trong vòng ba tháng và được thực hiện trong hai ngày. Với mong muốn được quan sát, nghiên cứu biểu hiện tâm lý, hành vi của những người kém may mắn và được chia sẻ, được ăn cơm, được chơi, được vẽ cùng nhau, được trò chuyện để hiểu về những hoàn cảnh của nhau hơn… nhóm nghệ sỹ, y bác sỹ , bệnh nhân đã có những trải nghiệm khó quên.
Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa và có thể là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tâm thần học Việt Nam, bệnh nhân tâm thần đã cùng với bác sỹ, nhân viên y tế, các họa sỹ vẽ say sưa. Các bức tranh có thể không theo các tiêu chí mỹ thuật thông thường, nhưng chắc chắn là những tác phẩm thị giác đặc biệt.
Với các họa sỹ, đây là những trải nghiệm vô cùng bổ ích trong đời làm nghệ thuật. Một nhóm hoạ sỹ và y bác sỹ cùng những bệnh nhân thể nhẹ cùng vẽ ngay trong sân bệnh viện. Nữ hoạ sỹ Hải Giang kiên trì hướng dẫn bệnh nhân vẽ, có người vẽ trên những chiếc lá cây rơi ngay trong sân. Nhóm còn lại vào trực họa những người mẫu có thân phận đặc biệt, ngay trong không gian hạn chế bởi hàng rào sắt kiên cố. Các họa sỹ cùng bệnh nhân giao tiếp nói chuyện cười đùa, có người còn lấy số điện thoại để giữ liên lạc khi chia tay nhau. Lúc đầu các nghệ sỹ khá e dè khi đứng trước hàng rào sắt khu điều trị bệnh nhân nặng, nhìn những bệnh nhân với đủ dáng vẻ và biểu hiện khác nhau. Nhưng rồi các họa sỹ Lê Anh Hoài, Nguyễn Đức Lâm, Tô Ngọc Trang - những người đầu tiên đã vào khu bệnh nhân nặng nam giới. Tiếp theo là Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Đức Đủ, nữ hoạ sỹ Trần Thanh Vân… Các nữ họa sỹ như Lê Thị Minh Tâm, Quế Chi, Bùi Ngoan… cùng vào khu bệnh nhân nữ. Họa sỹ và bệnh nhân vừa vẽ vừa chuyện trò với nhau khá vui vẻ, thân tình. Trước khi nhóm họa sỹ ra về, một số bức tranh được tặng lại cho bệnh viện và những người mẫu. Số còn lại được chuyển về Hà Nội để tiếp tục hành trình đặc biệt của “Rừng Xòe 4”.
Bác sỹ Lê Văn Thành - Thầy thuốc ưu tú, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: Hoạt động của các nghệ sỹ tại Bệnh viện hôm nay mang ý nghĩa rất lớn. Đó là sự sẻ chia rất cụ thể, giúp người bệnh tâm thần hoà nhập với xã hội tốt hơn. Lần đầu tiên các bức tranh với màu sắc rực rỡ đã làm sáng hơn lên những bức tường của bệnh viện…
Rừng Xòe: Kết nối, mở rộng và phục vụ cộng đồng
Trên có nói đến dự án Rừng Xoè. Đây là một hoạt động nghệ thuật hướng tới sự cởi mở về không gian và địa điểm, các nghệ sỹ tự do sáng tác với nhiều chất liệu, nhiều phương tiện, không chỉ vẽ tranh mà còn làm tác phẩm sắp đặt – điêu khắc, trình diễn, video art… Chỉ với tiêu chí duy nhất là tác phẩm đó phù hợp với ý niệm và không gian của dự án. Hoạt động tại BV Tâm thần lần này là lần thứ tư trong năm 2022, kể từ khi thành lập dự án.
Nhóm họa sỹ sẽ thực hiện những dự án tiếp theo của Rừng Xoè về con người và xã hội tại những địa phương khác nhau, kết nối và mở rộng theo dự án chứ không nhất thiết phải theo một chủ đề cứng nhắc. Người tham gia không phân biệt, quan trọng họ làm được gì cho con người và xã hội tại địa phương.
Đấu giá tranh vì bệnh nhân tâm thần
Họa sỹ Bùi Hoàng Dương chia sẻ: Những ngày đầu năm 2023, chúng tôi trưng bày các tác phẩm của nghệ sỹ và bệnh nhân tâm thần tại không gian nghệ thuật Beaux- Arts de HIGGS (92 ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội) để làm cuộc đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được, không trừ chi phí nào, sẽ được chuyển về Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa nhằm trợ giúp thêm cho sinh hoạt của các bệnh nhân. Đây không phải dự án kêu gọi từ thiện mà chính là bán những tác phẩm của bệnh nhân, y bác sỹ cùng các tác giả khác đã thực hiện. Họ có thể vẽ những tác phẩm chưa đủ hay nhưng giá trị ở những điều họ nói ra thông qua nghệ thuật.
Một trong những người khởi xướng dự án Rừng Xòe là họa sỹ Bùi Hoàng Dương, quê Thanh Hoá. Anh cho biết ý tưởng bắt đầu Rừng Xoè là từ khi giữa thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện khoanh vùng dịch, phong tỏa những điểm nóng để dập dịch. Khi đó ngành nghệ thuật cũng như mọi ngành nghề khác đều bị ảnh hưởng, khó tự do đi lại, giao lưu. Bùi Hoàng Dương lập một nhóm nghệ sỹ cùng chung mong muốn hướng đến sự tự do của nghệ thuật, nghĩa là tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, trực tiếp đưa nghệ thuật tới tất cả mọi người một cách tự nhiên, gần gũi nhất. Không chỉ kết nối các nghệ sỹ mà Rừng Xòe còn kết nối các xưởng vẽ với nhau để hoạt động phục vụ cộng đồng nhiều hơn.
Đơn cử một hoạt động, trong tháng 3/2022, triển lãm với chủ đề “Rừng Xòe 2” có sự tham gia của hơn 20 nghệ sỹ, nhà điêu khắc và họa sỹ tại nhiều tỉnh thành đã mang hơn 100 tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau, vào bìa rừng ở xã Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) để tổ chức triển lãm. Giữa không gian rừng và hồ nước tự nhiên, tranh và các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt được trưng bày ngay ngoài trời nên đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân trong vùng. Họ đến xem tranh phần vì tò mò, phần vì thấy tác phẩm nghệ thuật thật gần gũi với đời sống khi được trưng bày ngay tại nơi hàng ngày họ đi lại, sinh sống, làm việc.