Khỉ đuôi dài và giải thưởng báo chí quốc tế

Khỉ đuôi dài và giải thưởng báo chí quốc tế
TP - Trong nghề báo đã gần 20 năm, khỉ đuôi dài có lẽ là đề tài ám ảnh tôi dai dẳng nhất và không biết đến bao giờ mới được giải tỏa. Tôi không thoát khỏi sự day dứt ấy ngay cả khi phát biểu nhận Giải thưởng Tiên phong Truyền thông tại Mỹ hồi đầu tháng 6/2008.

>> Lật tẩy đường dây buôn lậu thú hoang dã

Khỉ đuôi dài và giải thưởng báo chí quốc tế ảnh 1

Cũng lạ, từ Tây Ban Nha, nơi tôi nhận Giải thưởng Châu lục của Reuters-IUCN đầu tháng 10/2008, một phóng viên Đài Loan quyết định chuyển bài điều tra của tôi sang Hoa ngữ cho một tờ báo ở quê nhà sau khi nghe tôi kể về hành trình chưa có hồi kết.

Căn phòng chuyên dành cho các cuộc họp báo của đại hội bảo tồn lớn nhất thế giới từ trước đến nay bên bờ Địa Trung Hải do Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) tổ chức. Tại đó, một ngày giữa thu năm nay, tôi may mắn là người đầu tiên trong sáu nhà báo quốc tế nhận giải thưởng châu lục lên nhận giải thưởng với biểu tượng một con bò sát.

Lê Thanh Huyền, nữ phóng viên báo Nông thôn Ngày nay, hớn hở đến chúc mừng tôi. James Fahn, nhà báo Mỹ kỳ cựu và là Giám đốc Điều hành Mạng lưới Báo chí Trái đất (EJN) có trụ sở ở Chiengmai, Thái Lan, vỗ vai tôi một cái thật mạnh rồi cùng Lê Thanh Huyền lách lên sát sân khấu. Cả hai cùng các nhà báo quốc tế chờ đón giây phút hồi hộp nhất, trao giải toàn cầu cho một trong sáu người đoạt giải châu lục.

James, người bạn thân thiết của nhiều nhà báo môi trường Việt Nam, quả quyết giải cao nhất thế nào cũng thuộc về tôi. Trước lễ trao giải, James đến bên tôi: “Theo anh, ai sẽ đoạt giải toàn cầu?”. “Tôi không biết nhưng không phải là tôi”. “Vì sao?”. “Đơn giản vì bài báo của tôi thiếu hẳn một tiêu chí rất quan trọng của ban giám khảo”. “Tôi không nghĩ thế. Anh sẽ đoạt giải”. Cả hai chẳng nói gì nữa.

Sự háo hức của James khiến tôi không chịu nổi. Tôi như lên đồng dù tự đối chiếu với tiêu chuẩn ban giám khảo thấy mười mươi bài của mình đạt được gì và không đạt được gì.

Trên trang web của IUCN và Reuters, suốt từ tháng 8/2008, thời điểm công bố sáu bài báo đoạt giải thưởng châu lục chọn từ hơn 350 bài báo từ khắp nơi trên thế giới và hơn 80 bài từ khu vực châu Á, bài báo của tôi được đặt ở vị trí đầu tiên không theo trật tự ABC.

So sánh với năm tác phẩm đoạt giải châu lục khác, James khăng khăng bài: “Lật tẩy đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia” thể hiện sự điều tra công phu và tính chuyên nghiệp của nhà báo, điều rất khó thực hiện ở nền báo chí các nước đang phát triển.

Vũ Thúy Hà, nhà báo xông xáo của Ban Quốc tế, Thông tấn xã Việt Nam (VNA), cũng chạy bộ bở hơi tai từ Khách sạn Công chúa Barcelona (Hotel Barcelona Princess) bốn sao đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Barcelona mới khai trương để kịp chứng kiến giây phút hồi hộp.

Quên mang thẻ, cảnh sát Tây Ban Nha kiên quyết không cho vào. Vũ Thúy Hà được dịp tập thể dục bất đắc dĩ ở xứ sở bò tót. Vào đến nơi, giây phút kịch tính nhất đã tàn. Hà cúi sấp xuống hàng ghế thở hổn hển: “Kết quả thế nào rồi anh!?”. Tất cả anh em đều bảo, nếu họ đoán đúng (nếu tôi đoạt giải cao nhất) phải khao ngay tại trận dù giá cả ở thành phố du lịch cổ kính này thuộc dạng đắt nhất thế giới.

Trong tâm trí tôi chợt hiện về những gì vừa xảy ra ở Mỹ trước đó bốn tháng. Tại Washington D.C., người ta cũng nhắc đến tính điển hình trong tác phẩm báo chí của phóng viên Á châu duy nhất bên cạnh các thành tích truyền thông môi trường khác.

Không biết loạt bài điều tra bốn kỳ đăng trên Tiền phong cuối tháng 10/2007 được đánh giá thế nào mà tôi có vinh dự sánh vai cùng năm nhà báo quốc tế có thành tích khổng lồ mà Interrnews chọn từ 78 quốc gia.

Phát biểu của phóng viên Việt Nam đầu tiên từ Bảo tàng Báo chí Quốc gia, tòa kính đồ sộ mới khánh thành cách không xa nhà Quốc hội Mỹ, được truyền thông Mỹ đưa tin: “Tôi lấy làm xúc động khi nghe tên đất nước tôi, Việt Nam, tên của tờ báo mà tôi làm việc, Tiền phong, và tên tôi được nhắc đến trong buổi lễ trao giải đêm nay...”.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) còn cử thông tín viên Ban Việt ngữ đến tận nơi tường thuật lễ trao giải với sự chứng kiến của hơn 100 quan khách trong đó có đại diện các hãng thông tấn Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và đại diện Đại Sứ quán Việt Nam tại Mỹ.

Trên trang nhất của VOA, còn lưu trích đoạn được thông tín viên Hoài Hương ghi tại chỗ: “Giải truyền thông cao quý đêm nay là cột mốc trong cuộc hành trình dài, nhưng cũng đánh dấu điểm khởi đầu của một cuộc hành trình dài khác, hy vọng sẽ dẫn đến sự chấm dứt đường dây xuyên biên giới buôn lậu loài khỉ đuôi dài tại Đông Nam Á”.

Tôi đang lâng lâng với cảm xúc của quá khứ mới đây bên kia bờ đại dương thì từ khán đài, đại diện Reuters-IUCN công bố bí mật cuối cùng của lễ trao giải. Giành mề đay toàn cầu là một nhà báo đến từ Canada, cô Noémi Mercier, phóng viên tờ Khoa học Quebec, với loạt bài nguy cơ ngộ độc đằng sau hoạt động tái chế chất thải điện tử xuất khẩu từ các nước công nghiệp sang Ấn Độ.

Kết thúc sự kiện, Wahnbaeck Carolin, phóng viên kỳ cựu của Reuters Foundation, trao đổi với tôi và phóng viên Đài Loan: “Thực ra, tổng điểm chấm bài của anh với bài của phóng viên Canada rất sát nhau. Chỉ tiếc bài của anh điểm thấp ở tiêu chuẩn tác động đến thực tiễn”.

Chu Doanh Thành (Zhou Ying Cheng), đại diện Thông tấn Xã Trung ương Đài Loan tại Geneva, Thụy Sỹ, đòi được nghe ngay tại chỗ sự dang dở của câu chuyện là gì.

Một đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia nhiều năm bị phát hiện hoạt động bằng giấy tờ giả ghi là xuất xứ từ nước láng giềng Lào. Bài điều tra đặt ra một loạt vấn đề cần làm sáng tỏ trong đó có các nghi vấn về mối liên quan giữa đường dây buôn lậu chuyên nghiệp này với một số quan chức chịu trách nhiệm quản lý nhà nước nguồn tài nguyên rừng. Kể từ khi báo đăng, hầu như không có thay đổi gì đáng kể. Đường dây vẫn hoạt động...

“Tính báo chí trong tác phẩm rất điển hình và sự dang dở của bài điều tra thực sự gây tò mò cho độc giả” - Chu Doanh Thành nói như vậy khi trả lời câu hỏi: “Vì sao bạn cứ nhất quyết dịch loạt bài điều tra này?".

Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) về việc trao giải thưởng tiên phong truyền thông cho phóng viên Tiền phong, bà Kathy Calvin, Chủ tịch Hội đồng quản trị Internews, cho biết: “Ông Dũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên được chọn nhận Giải Tiên phong Truyền thông trong lĩnh vực môi trường. Đây là giải thưởng có ý nghĩa bởi giải này vinh danh sự đóng góp của các nhà báo bỏ nhiều công sức nhất để cổ vũ cho tính minh bạch, cởi mở và chính xác của truyền thông.

Sự kiện này nói lên rằng các nhà báo môi trường đang phơi bày ra ánh sáng các hoạt động tác hại đến môi trường sinh thái, dù chúng ta đề cập đến một loài động vật, một vùng đất, hay không khí chúng ta đang hít thở, hay đề cập một nguồn nước. Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà một nhà báo có thể tác nghiệp. Thế nên chúng tôi rất tự hào khi trao giải truyền thông về môi trường năm nay”.

MỚI - NÓNG