Khi công nghệ số ngăn chặn khám chữa bệnh 'chui'

Ngày 29/11, DS CKII Bùi Thanh Nguyệt, quyền Trưởng phòng Y tế quận 8, TPHCM cho biết, tại đây đang tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nhằm ngăn chặn hoạt động khám chữa bệnh chui và quản lý kinh doanh dược.

Hiện nay, trên địa bàn quận 8, có hơn 800 cơ sở, y dược tư nhân thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, cung ứng thuốc. Trước đây, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân được thực hiện theo phương thức truyền thống (giấy tờ, sổ sách).

Theo DS Nguyệt, dữ liệu của các cơ sở được quản lý thủ công, dẫn đến tình trạng thông tin không đầy đủ, chậm trễ, không chính xác, làm mất nhiều thời gian khi truy xuất dữ liệu, giám sát tình trạng hoạt động của các cơ sở. Công cụ quản lý chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho các sai phạm trong hoạt động khám bệnh chữa bệnh trái phép.

Ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, minh bạch trong hoạt động khám chữa bệnh

Trước tình hình trên, Phòng Y tế quận 8 đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn. Đến nay, ứng dụng đã được triển khai với sự tham gia của 331 cơ sở hành nghề dược, 271 cơ sở hành nghề y. Tỷ lệ sử dụng và cập nhật thông tin đạt 100% đối với cơ sở dược và 84,16% đối với cơ sở hành nghề y, toàn bộ dữ liệu đã được số hóa. Nhờ đó, các thông tin pháp lý mang tính bắt buộc phải có về cơ sở y, dược tư nhân đã được tổng hợp, truy xuất đầy đủ, chính xác và nhanh chóng phát hiện, xử lý các sai phạm.

Bên cạnh đó, theo DS Nguyệt, các thông tin về quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý được cung cấp bằng văn bản điện tử kịp thời cho cơ sở thông qua chức năng tra cứu văn bản pháp luật trên ứng dụng. Hệ thống dữ liệu được đồng bộ và cập nhật theo thời gian thực, giúp nâng cao khả năng quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước.

DS CKII Bùi Thanh Nguyệt thông tin về hoạt động tiên phong ứng dụng công nghệ trong quản lý hành nghề y dược tư nhân tại quận 8, TPHCM

Mọi thông tin như tên cơ sở, hồ sơ pháp lý, giấy phép hành nghề, chứng chỉ, danh sách nhân sự đều được số hóa và lưu trữ có hệ thống; giúp cơ quan quản lý theo dõi đầy đủ và chi tiết về tình trạng hoạt động của từng cơ sở, bao gồm giấy phép hành nghề, kết quả kiểm tra của cơ sở, hồ sơ y tế. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho người bệnh của các cơ sở y dược trên địa bàn.

DS Nguyệt cho biết, ứng dụng công nghệ số trong quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân có thể mở rộng quy mô, tích hợp, bổ sung tính năng nhắc nhở tự động về giấy phép, kiểm tra định kỳ, cập nhật thông tin đào tạo liên tục và các biểu mẫu yêu cầu báo cáo đột xuất từ cơ quan quản lý. Với khả năng tạo kho dữ liệu dùng chung, tích hợp và đồng bộ hóa với các hệ thống quản lý, ứng dụng có thể mở rộng áp dụng trên toàn thành phố cũng như các địa phương khác, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cơ quan quản lý, các cơ sở kinh doanh và người dân.

"Hiện ứng dụng đã cập nhật hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, thông báo của cơ quan quản lý cấp trên"- DS Nguyệt thông tin.