Khi châu Âu là thuộc địa của châu Phi

Khi châu Âu là thuộc địa của châu Phi
Manchester City rên xiết khi mất anh em nhà Toure, Chelsea lo ngay ngáy vì chia tay Didier Drogba cùng Salomon Kalou, Arsenal phải cầu viện lão tướng Thierry Henry vì thiếu vắng Gervinho.

Đội bóng đang cạnh tranh một suất trong tốp đầu là Newcastle cũng phải vò đầu bứt tai khi nhìn chân sút mới nổi Demba Ba xách valy rời khỏi đội trong vòng chí ít là nửa tháng.

Thật không ngoa khi nói rằng giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN 2012), sẽ khởi tranh từ 21.1 tới đây có thể làm đảo lộn cuộc đua giành chức vô địch giải Ngoại hạng Anh. Mà không chỉ ở Anh, hầu hết các giải vô địch châu Âu đều bị ảnh hưởng bởi CAN 2012 trong khi các cầu thủ người Phi xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của các huấn luyện viên.

Cứ nhìn Man City thì rõ. Hồi đầu tháng, đội bóng đang dẫn đầu Premier League thắng dễ dàng Liverpool tới ba bàn không gỡ ở giải Ngoại hạng nhờ vào sự toả sáng của Yaya Toure. Vậy mà một tuần sau, Man City đã để thua chính Liverpool 0 – 1 ngay trên sân nhà trong khuôn khổ League, trong trận đấu mà Toure đã xin nghỉ để về chơi cho Bờ Biển Ngà tại CAN 2012. “Tôi sẽ phải cố gắng tìm ra một Yaya khác, nhưng rất tiếc là không còn Yaya nào nữa”, huấn luyện viên Mancini rên rỉ sau trận đấu.

Năm nay, giải vô địch châu Phi thiếu vắng một loạt đội bóng lớn như Ai Cập (đương kim vô địch), Cameroon, Nigeria, Nam Phi do những đội này không vượt qua vòng loại. Thế nhưng, như đã nói thì vẫn còn nhiều cầu thủ châu Phi khác đang giữ vị trí chủ chốt ở các đội bóng châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, quốc gia vốn có rất nhiều thuộc địa ở châu lục đen trước đây.

Điều oái oăm là ở chỗ, nếu như các giải vô địch châu lục khác thường diễn ra theo chu kỳ bốn năm/lần thì CAN lại diễn ra hai năm/lần. Nếu như các giải vô địch châu lục khác thường diễn ra vào mùa hè thì CAN lại diễn ra vào cuối tháng giêng và đầu tháng 2, khi các giải vô địch quốc gia châu Âu đang chạy đua căng thẳng. Chính vì vậy, cứ đến kỳ diễn ra CAN là các huấn luyện viên lại chỉ biết ôm mặt kêu trời khi phải chia tay với các trụ cột ít nhất nửa tháng. Đấy là chưa kể nếu chẳng may xảy ra trường hợp chấn thương thì tình hình còn tồi tệ thêm nữa.

Chính vì thế, một số huấn luyện viên đã chủ động... nói không với các cầu thủ da màu, dù rất “kết” những phẩm chất của các cầu thủ này, đặc biệt là ưu thế về thể lực. Từ sau Djemba – Djemba cách đây vài năm, Manchester United không hề mua thêm một cầu thủ người Phi nào nữa. Đúng ra thì hiện M.U cũng có Mama Diouf, song cầu thủ này không được gọi vào tuyển Senegal.

Barcelona sau khi bán Yaya Toure cho Man City thì cũng chỉ còn Keita là người Phi duy nhất, song cầu thủ này cũng không phải là trụ cột không thể thay thế. Tương tự là trường hợp của Real Madrid, CAN 2012 không phải là mối bận tâm đối với Jose Mourinho sau khi đã “giải tán” Mahamadou Diarra từ mùa trước.

Nhưng liệu các huấn luyện viên này có nói không được với cầu thủ châu Phi trong bao lâu, khi mà bản thân họ vẫn đang đi săn lùng những tài năng trẻ châu Phi, như vụ Real Madrid tranh giành “Drogba mới” là Lukaku với Chelsea mùa trước. Bởi bóng đá châu Âu giờ chẳng khác gì “thuộc địa” của châu Phi, ngược với điều đã xảy ra cách đây vài thế kỷ.

Theo SGTT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG