Khi các cầu thủ bị làm hư bằng tiền

Khi các cầu thủ bị làm hư bằng tiền
(TPO) Chuyện một số cầu thủ đòi lãnh đạo VFF phải công khai tiền thưởng trước trận đấu ở SEA Games 23 một lần nữa lại là bài học về công tác giáo dục đạo đức của cho các VĐV.
Khi các cầu thủ bị làm hư bằng tiền ảnh 1
Văn Quyến không thể vượt qua hậu vệ Thái Lan                                Ảnh: TTXVN

Trong câu chuyện đáng buồn về tiền bạc liên quan đến các cầu thủ U23 Việt Nam ở SEA Games, những quan chức đã đem tiền thưởng ra “bơm” cho các cầu thủ trước mỗi trận đấu cũng rất đáng trách và thực sự là một bài học lâu dài.

“Liều doping” mà người ta tưởng là hạng nặng ấy, đã làm hỏng cầu thủ hơn là mang đến những điều tốt.

Có thưởng 100 tỷ đồng cũng vẫn thua Thái Lan

Nhìn lại trận chung kết SEA Games 23, xét đến cùng và xét một cách công bằng, cái thua của U23 Việt Nam trước Thái Lan là hoàn toàn xứng đáng. Ngay cả tỷ số 0-3 của trận đấu cũng hoàn toàn phản ánh đúng bản chất của cái thua: Đẳng cấp.

Người Thái đã thi đấu một trận sòng phẳng và đúng sức. Một trận đấu mà HLV Chanvit và các học trò đã chuẩn bị để đón tiếp U23 Việt Nam bài bản, kỹ càng đến chân tơ kẽ tóc.

Nếu nhìn lại hành trình đi đến tấm HCV của người Thái, kể từ Agribank Cup, có thể thấy rõ đó là một biểu đồ có mũi tên đi lên đều đặn.

Vượt qua Malaysia, Philippines…đều chỉ với những trận thắng chênh lệch 1 bàn, người Thái đã biết giữ sức để rồi bước vào những trận đấu quyết định với sự bùng nổ đúng tầm, mà chốt chặn cuối cùng chính là U23 Việt Nam.

Trong khi đó, hành trình đi đến trận chung kết của U23 Việt Nam, nhìn lại chỉ là một biểu đồ từ từ xuống dốc. Sự hăng hái tưng bừng từ Agribank Cup đến vòng đấu bảng rồi xụi dần khi vào chung kết, chính là bài học luôn luôn mới: Đường dài mới biết ngựa hay!

Nhắc lại cái thua ở trận chung kết trước Thái Lan như thế, để có được một cái nhìn công bằng và sòng phẳng với các cầu thủ, khi câu chuyện các tuyển thủ đòi tiền thưởng đã trở nên quá nặng nề với dư luận.

Của cho không bằng cách cho

Nếu chỉ nhắc đến chuyện các cầu thủ đòi tiền mà không nói đến những người đã mang tiền ra thưởng sẽ là điều bất công và có thể còn giết chết cả tương lai của những cầu thủ ấy.

Thực tế, cho đến thời điểm này, mỗi cầu thủ mới chỉ cầm được trong tay 600 USD, trong đó có 300 USD nhận trước ngày lên đường (16/11) và 300 USD còn lại nhận sau trận thắng Malaysia.

Cũng phải nhắc lại rằng, có một kế hoạch xây dựng quỹ tiền thưởng nếu đội giành HCV lên đến 6,3 tỷ đồng. Khi đội chỉ giành được HCB, số tiền thưởng này còn lại 2,3 tỷ đồng.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Phải chăng, các tuyển thủ sẽ được nhận 2,3 tỷ đồng tiền thưởng này, cộng với tiền thưởng riêng của VFF và Ủy ban TDTT qua từng trận đấu? Xin trả lời ngay rằng: Không!

Sự thực là, trong 2,3 tỷ đồng này, đã có 750 triệu đồng tiền thưởng của VFF và 200 triệu đồng của Ủy ban TDTT sau 4 trận thắng. Số tiền còn lại là từ các nguồn tài trợ, trao thưởng khác.

Sự việc nảy sinh từ cách thông tin, giải thích thiếu rõ ràng, mập mờ của các quan chức VFF, khi cách công bố của một số lãnh đạo VFF đã khiến cho chính các cầu thủ đã hiểu nhầm rằng số tiền thưởng sau mỗi trận đấu là độc lập, riêng biệt so với quỹ thưởng chung kia.

Trong chuyện này, các cầu thủ quả là đáng trách khi đã nghĩ và phân tâm quá nhiều đến những điều ngoài chuyên môn trước những trận đấu quyết định nhưng đáng trách gấp mười lần chính là những người đã “bơm” doping tiền cho các cầu thủ.

Và khi chuyện “bơm” này không rõ ràng để đến mức phải mang bản danh sách tiền thưởng của các nhà tài trợ từ ở nhà sang Bacolod cho các cầu thủ xem thì quả là vô cùng phản cảm. “Của cho không bằng cách cho” là thế!

Trong cuộc gặp mặt với BCH VFF khóa V ngày 16/6, Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp ý không nên làm cho các cầu thủ quá ham tiền mà điều cốt yếu là giáo dục đạo đức cho các cầu thủ. 

Ở SEA Games 23, điều này dường như đã không được nhớ đến. Đến khi đích thân Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái gọi điện sang nhắc nhở, thì việc cũng đã rồi.

Trao đổi với phóng viên Tiền phong chiều qua, 7/12, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, trong thời gian tới, vấn đề giáo dục đạo đức cho cầu thủ chắc chắn sẽ phải xiết lại mà cụ thể nhất chính là việc làm chặt chẽ Quy chế đội tuyển, để các cầu thủ nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của mỗi người khi được khoác trên mình tấm áo tuyển thủ quốc gia.

Nhưng ông Hỷ cũng nhấn mạnh về việc sẽ phải “rút kinh nghiệm sâu sắc về cách quan tâm đến các cầu thủ” mà câu chuyện “doping tiền” nói trên, hẳn sẽ là một bài học vô cùng thấm thía.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thái Đăng Khoa; Email: dang_khoa84@hotmail.com

SEA Game 23 đã trôi qua, nỗi thất vọng lớn lao cho 46 năm chờ vàng từ đội U23 rồi cũng nguôi ngoai, nhưng sao trong tôi vẫn còn đọng lai dư vị đắng của dư âm lần này khiến tôi phải viết vài dòng bày tỏ tâm sự cùng bạn đọc.

Chúng tôi có thể thông cảm chấp nhận sự thất bại của U23 bởi do chuyên môn và đẳng cấp, thậm chí vẫn hãnh diện nếu là sự thất bại ngẩng cao đầu. Nhưng thật khó mà tha thứ cho những người con yêu đã xúc phạm niềm tin người hâm mộ bằng cách vẫn đục sự trong sáng thể thao và màu cờ sắc áo mà quê hương đã tin tưởng khoác lên đôi vai mình.

Tiền là tất cả, kể cả tai họa. Tiền là cần thiết, nhưng thật đáng tiếc nó lại được đặt lên trên sự thiêng liêng nhất, ở một thời điểm nhạy cảm nhất mà bao nhiêu triệu trái tim đang hướng về.

Ai đời chỉ có vỏn vẹn 48 tiếng đồng hồ trước trận đấu quyết định, thay vì lo nghĩ ngơi, thư giãn, binh pháp, cầu nguyện và tập trung ý chí thì lại lo đi hỏi han, lo lắng, họp hành chuyện tiền bạc.

Chẳng những coi không được chút nào, mà ai cũng có thể nghi ngờ trận đấu thất bại vì những đôi chân nặng trĩu đồng tiền. Cũng đúng thôi! Một đoàn quân trước giờ lâm trận mà không toàn tâm toàn ý chỉ vì một ý chí chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc thì làm sao có thể chiến thắng được đối phương.

Chẳng cần đâu xa để minh chứng cho chủ trương doping tiền thưởng là hoàn toàn phá sản mà hãy nhìn sang các VĐV ở các bộ môn khác, hoặc như đội bóng đá nữ với tiền lương và thưởng it ỏi, có người còn mang cả tiền riêng của mình để bồi dưỡng và chi tiêu thêm, nhưng tất cả vẫn tận tụy hy sinh và chiến đấu hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Tôi thât sự xúc động khi biết có một VĐV có mẹ mất, nhưng không dám thông báo hung tin vì sợ ảnh hưởng tâm lý thi đấu. Sự hy sinh thật đáng trân trọng vì người ta biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên tất cả.

Bài học nhãn tiền cho cách doping tiền thưởng thiết tưởng đã rõ ràng. Xin hãy trả lại sự trong sáng, đúng nghĩa tinh thần thể thao ở bất cứ bộ môn và cấp độ nào để tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào chân chính trong lòng người hâm mộ thể thao nước nhà. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.