Theo cáo trạng, bằng thủ đoạn tung tin “quen lớn”, có khả năng “chạy việc, chạy trường, chuyển hệ, vào ngành” cho nhiều người với mức giá từ 200-500 triệu đồng/suất, thượng tá Y Tuyến Ksơr đã lừa được của 62 bị hại tổng số tiền lên đến hơn 24,3 tỷ đồng.
Trong ngày xử đầu tiên 29/8, bị cáo Y Tuyến Ksơr chỉ khai trước tòa một số cán bộ “từ cấp huyện trở xuống”, đã nhận chia chác các khoản tiền ông chiếm đoạt được trong khoảng thời gian từ 2013-2016. Tuy nhiên, cuối buổi sáng ngày 30/8, ngay sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án tù chung thân, Y Tuyến Ksơr đã “xin khai thật” họ tên của nhiều cán bộ lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, mà Y Tuyến khẳng định là đã nhận từ Y Tuyến vài trăm triệu đồng đến hơn 3 tỷ đồng/người. Tổng số cán bộ mà Y Tuyến khai có “chia phần”, lên tới 42 vị.
Bị cáo bức xúc cho rằng các cơ quan tố tụng làm sai, khi bị cáo đã được Giám đốc Công an tỉnh cấp giấy cho đi chữa bệnh, rồi vào điều trị ở bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, mà cơ quan điều tra vẫn đến tận nơi để đọc lệnh khởi tố, và bắt bị cáo tạm giam từ ngày 18/2/2017 tới nay. Y Tuyến Ksơr nói: "Sau khi tôi đã bị tố cáo vi phạm pháp luật, tôi đưa tiền lên thì lãnh đạo công an tỉnh Đắk Lắk vẫn nhận. Những người này đã tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật của tôi, phải được xem là những đồng phạm nhưng cơ quan điều tra lại không đưa vào hồ sơ vụ án là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự”.
Bị cáo Y Tuyến Ksơr tha thiết xin chủ tọa HĐXX với quyền hạn của mình, hãy cho di lý bị cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án này cho cơ quan điều tra của Bộ Công an hoặc VKSND Tối cao, để vụ án được điều tra lại từ đầu cho rõ toàn bộ sự thật. Y Tuyến Ksơr tự nhận bản thân cũng chỉ là “nạn nhân của cơ chế xin cho” ngày càng phổ biến khắp xã hội, nếu không thì bị cáo đã không thể lừa được nhiều người với số tiền lớn như vậy. “Trước các luật sư, các nhà báo, các bị hại hầu hết là người có nhận thức và trình độ, tôi khẳng định mình chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời đã khai” - bị cáo nói rành rọt, chẳng có vẻ gì từng là “bệnh nhân tâm thần”.
Đại diện Viện Kiểm sát và Chủ tọa HĐXX cho rằng bị cáo không có chứng cứ nào chứng minh những cán bộ, lãnh đạo đó có nhận tiền của bị cáo. Những người bị Y Tuyến khai đã nhận tiền trong quá trình thẩm vấn, điều tra đều phủ nhận việc này. Tố cáo của Y Tuyến không có cơ sở, nên Viện Kiểm sát và Tòa án không chấp nhận.
Theo hồ sơ vụ án, tại thời điểm kiểm tra tài sản, bị cáo chỉ còn 5 chiếc điện thoại Nokia rẻ tiền, 2 xe máy, 2 mảnh đất đã thế chấp vay ngân hàng, một số danh hiệu, bằng khen… Tài khoản ATM chỉ còn hơn 400 nghìn đồng. Các bị hại tố bị cáo Y Tuyến đã mua sắm nhiều nhà đất, bất động sản có giá trị lớn. Viện kiểm sát cho biết có lưu ý và đã cố gắng điều tra nhưng không tìm thấy. HĐXX đề nghị với các bị hại, sau này nếu ai phát hiện tài sản của bị cáo Y Tuyến ở đâu, hoặc chứng minh được bị cáo đã tẩu tán tài sản cho ai, thì hãy khai báo cho cơ quan thi hành án để được hỗ trợ thu hồi.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Y Tuyến xin lỗi các bị hại, hỏi họ nếu bị cáo lãnh án tù chung thân, thì "ai sẽ đi làm kiếm tiền để trả lại số tiền đã mất?".
HĐXX tuyên bị cáo Y Tuyến Ksơr mức án tù chung thân; bị cáo phải có trách nhiệm trả lại cho các bị hại tổng cộng hơn 23,9 tỷ đồng.
Nhiều bị hại cho biết họ sẽ lập tức kháng cáo, đề nghị chuyển hồ sơ vụ án lên cấp Bộ điều tra lại, và đề nghị cấp trên chú ý bảo vệ tính mạng bị cáo Y Tuyến Ksơr trong tù, với hy vọng mong manh được trả lại ít nhiều số tiền đã bị ông này lừa lấy mất.