Chích ngừa VAT cho thai phụ tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM (ảnh chụp sáng 17/3) - Ảnh: Thanh Đạm - Tuổi Trẻ |
Những năm gần đây dịch nhiễm rubella, thủy đậu, sởi... không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn ở người lớn. Khi dịch xảy ra, người ta đổ xô đi chích ngừa gây quá tải làm việc tư vấn trước chích ngừa không tránh khỏi những thiếu sót, đặc biệt ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, dẫn đến một số người không biết có thai vẫn chích ngừa hoặc có thai sớm trong vòng 28 ngày sau chích ngừa, gây nên sự hoang mang lo sợ thai nhi bị dị tật nên tự ý đi phá thai.
Để tránh những trường hợp phá thai đáng tiếc xảy ra vì chích ngừa, bài viết này cung cấp những khuyến cáo của Ủy ban Tư vấn về thực hiện phòng ngừa miễn dịch (ACIP) ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ về chích ngừa trong thai kỳ. Do có rất nhiều loại văcxin, ở đây chỉ nêu những trường hợp thường gặp nhất sau chích ngừa văcxin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, cúm.
Không nên
Văcxin có thể được chế tạo từ vi khuẩn, virus, độc tố của chúng hoặc được tái tổ hợp từ các kháng nguyên đặc hiệu. Trong đó văcxin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu được chế tạo từ virus sống giảm độc lực, hiện nay trên thị trường có dạng kết hợp MMR (measles-mumps-rubella) gồm ba loại văcxin sởi, quai bị, rubella phòng ngừa cả ba bệnh trong một mũi tiêm. Văcxin phòng viêm gan B chế tạo từ các kháng nguyên đặc hiệu, còn văcxin cúm chế tạo từ virus bất hoạt.
Các văcxin sống (cụ thể như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) không nên dùng cho phụ nữ có thai vì theo lý thuyết, các virus văcxin này có thể lây truyền và gây hại cho thai, mặc dù thực tế cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng báo cáo về dị tật thai nhi sau khi chích các văcxin này.
Nếu tình cờ chích ngừa virus văcxin sống cho phụ nữ mang thai, hoặc phụ nữ có thai trong vòng bốn tuần sau chích ngừa thì nên được tư vấn về những nguy cơ lý thuyết có thể tác động lên thai. Nhưng nói chung chích ngừa không phải là một chỉ định để chấm dứt thai kỳ. Tốt nhất nên tư vấn kỹ về ngừa thai trong vòng 28 ngày sau chích ngừa cũng như chắc chắn không có thai trước chích ngừa.
Có thể
Đối với văcxin phòng viêm gan siêu vi B hiện nay do bản chất được chế tạo từ các kháng nguyên nên không gây dị tật cho thai và không chống chỉ định trong thai kỳ.
Nên chích ngừa cho những phụ nữ mang thai được xác định có nguy cơ nhiễm siêu vi B trong thai kỳ (những người có quan hệ tình dục với nhiều hơn một người trong vòng sáu tháng trước đó, được chẩn đoán và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục, hiện nay hoặc trong thời gian gần đây có chích ngừa ma túy, đang quan hệ tình dục với người có HbsAg dương tính).
Văcxin cúm được chế tạo từ virus đã được bất hoạt và đã có nghiên cứu trên 2.000 phụ nữ mang thai chích ngừa cúm không thấy ảnh hưởng có hại cho thai. Được chỉ định cho những phụ nữ mang thai bất kể tam cá nguyệt có nguy cơ biến chứng nặng do cúm hoặc mang thai ở tam cá nguyệt II-III trong mùa dịch cúm. Điều này cho thấy chích ngừa cúm loại bất hoạt không là chỉ định chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên văcxin cúm loại chế tạo từ virus sống giảm độc lực thì ít được sử dụng và giống như trình bày ở trên không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai.
Tóm lại, chích ngừa không phải là chỉ định tuyệt đối để chấm dứt thai kỳ. Tốt nhất phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ khi chích ngừa cần được khám, tư vấn và phải tuân thủ các hướng dẫn của từng loại văcxin, trong đó có vấn đề ngừa thai sau chích ngừa tránh trường hợp có thai sớm hoặc mang thai không biết vẫn chích ngừa. Và khi xảy ra nên được bác sĩ chuyên khoa tư vấn để có hướng xử trí và theo dõi hợp lý.
Theo BS Phạm Thị Hải Châu
Tuổi Trẻ