Khẩu/vị Nobel

TP - “Nếu trộn giữa Jane Austen và Franz Kafka, bạn sẽ có cái nhìn ngắn gọn về Kazuo Ishiguro, nhưng bạn phải thêm một chút Marcel Proust vào hỗn hợp đó” (“If you mix Jane Austen and Franz Kafka then you have Kazuo Ishiguro in a nutshell, but you have to add a little bit of Marcel Proust into the mix”). Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, bà Sara Danius đã công bố “khẩu vị” về chủ nhân giải Nobel văn học 2017 như vậy. 

“Ishiguro là một trong những nhà văn Anh xuất sắc nhất còn sống – một sự pha trộn giữa Kafka và Chekhov thời hiện đại” - nhận xét của nữ nhà văn nổi tiếng người Úc Tegan Bennett Daylight cách đây 2 năm. Khi bình luận về cuốn tiểu thuyết mới nhất của Ishiguro - “Người khổng lồ ngủ quên” lần đầu tiên ấn hành năm 2015.

Với văn chương, bất kỳ giải thưởng nào kể cả Nobel, hầu như đều là sự phản ánh “khẩu vị” riêng của những người trong hội đồng giám khảo. Đương nhiên rồi, dẫu muốn mang tầm nhân loại, người  ta cũng chỉ có thể chấm chọn bằng ngũ giác của mình. Nên đừng bao giờ đưa ra một danh sách những cái tên, để thắc mắc rằng tại sao không phải là A, là B…

Điều tôi quan tâm ở đây, không phải khẩu/vị của giám khảo, mà là hương/vị của nhà văn. Tôi chợt tự hỏi, sao tác phẩm văn chương đương đại ngày càng giống, và thường được so sánh với những món thập cẩm cocktail, sinh tố, hay salad vậy?!

Mạc Ngôn “gợi nhớ tới các tác giả lừng danh khác như William Faulkner và Gabriel Marquez…” như nhận xét của Viện hàn lâm Thụy Điển 2012. Rất ít lý do để hiểu vì sao ca/nhạc sĩ Bob Dylan lại là chủ nhân của Nobel văn chương năm 2016. Cũng như trước đó, Svetlana Alexievich được trao Nobel văn chương (2015) cho những tác phẩm báo chí...   

Có phải đây là biểu hiện của “thời đại lưỡng tính”, để phải “ăn bóng” của nhau, như câu thơ đầy tiên cảm của thi sĩ Văn Cầm Hải? 

Sự thực, chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên không có những tòa tháp văn chương, tư tưởng sừng sững như những thời đại trước. Ảnh hưởng bởi thuyết hậu hiện đại, đó là văn chương xa lánh những đại tự sự, nhà văn từ bỏ con đường “độc sáng”? Hay trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc khiến tư duy khai sáng được thay thế dần bởi tư duy ứng dụng/thực dụng?   

Như trường hợp Kazuo Ishiguro – một công thức khá quen thuộc của văn chương đương đại trên lộ trình đến Nobel gần đây. Không sốc, không sốt, không choáng váng. Không quá tân kỳ về hình thức. Có chăng là sự pha trộn một cách khéo léo, tỷ mẩn và hợp lý mọi thứ hương liệu của những người khổng lồ đi trước đã tạo ra. Trong tiểu thuyết mới nhất “Người khổng lồ ngủ quên”, người khổng lồ chính là ký ức, là thời gian đời người. Có điều nó đã từng là đại nhân vật và thực sự trở nên khổng lồ dưới ngòi bút của Marcel Proust từ trăm năm trước. 

Thời đại lưỡng tính, thế giới đa cực, rối loạn giá trị, hay như chính Kazuo Ishiguro thừa nhận, rằng thế giới đang trong một thời điểm “rất bấp bênh”. Bấp bênh như vận mệnh loài người, trong “Mãi đừng xa tôi” (Never let me go). 

Bóng dáng những giải thưởng ngày càng dễ nhạt nhòa. Dẫu văn chương vẫn luôn là câu chuyện thật  dài…