Khẩu trang và dịch người

Khẩu trang và dịch người
TP - Giờ đây trong các thứ rác vứt bừa bãi trên đường ngày càng thêm nhiều khẩu trang, cả loại dùng một lẫn nhiều lần. Ngoài việc… tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân vệ sinh, sẽ ra sao nếu một chiếc nào trong số đó mang theo mầm bệnh?

Thậm chí mới đây trên mạng lan truyền câu chuyện ở Bình Dương, kể rằng một số người đi đường được phát khẩu trang miễn phí, có khi cả gói 10 chiếc. Nhận xong họ xé ra, chỉ lấy số khẩu trang đủ dùng cho mình và người đi cùng rồi… quẳng số còn nguyên chưa dùng xuống đường. Có người dùng 3 vứt 7 xong còn nói: “Làm từ thiện thì phát cho mỗi người 5 chục, 100 đi, phát ba cái đồ quỷ này có nhiêu tiền đâu”(!). Tôi thực lòng mong đây là chuyện bịa, dù người kể có liệt kê rõ ràng ngày giờ địa điểm... Với những người đang ở gần vùng dịch, hành động đó có thể là quá vô lý (đến nỗi muốn bịa ra cũng khó) nhưng ở những vùng xa, nó có lẽ là hợp lý, với những người vốn chỉ quan tâm tới cái lợi trước mắt của bản thân. Đúng kiểu “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”.

Tiếng Việt có cụm từ “đồ vứt đi” chỉ những thứ vô dụng. Tức là thứ gì mình không dùng được - chỉ cần ném ra khỏi nhà cho khuất mắt. Thứ đáng kinh tởm như… chuột chết tất nhiên phải ném hàng đầu. Có lẽ chỉ nạn dịch hạch (phỉ phui cái mồm) mới khiến người Việt bỏ sở thích vứt chuột chết ra đường. Xe cộ qua lại cán cho lòi ruột, dẹp lép, khô queo và dần dần biến mất. Chắc trong bụi mịn đô thị có thành phần chuột chết quá. Năm 2013, Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm 3 xác chuột cống trên địa bàn phát hiện ra chúng đều  dương tính với Hanta - virus có thể gây sốt xuất huyết kèm suy gan thận và cả hội chứng phổi.

Đặc sản “khô chuột” quốc gia này phổ biến đến độ lâu nay không ai buồn nói tới. Đài báo chỉ vào cuộc khi nào có xác gà, vịt, lợn… bị “vứt đi”. Mấy con này to nên sẽ được ưu tiên đưa tới bãi rác hay kênh mương, sông ngòi để mầm dịch được truyền đi xa hơn. Chứ còn cách giải thích nào khác?! Mà hình như cũng chưa thấy thủ phạm nào bị bêu gương hay xử lý. Nói chung muốn biết văn hóa của nơi nào, cứ ra đường. Độ sạch bẩn, cách tham gia giao thông, xử lý tình huống… không thể giấu đi đâu được. Cùng một mật độ dân số, nhưng nơi nào văn minh hơn hẳn ít tắc đường và tai nạn hơn.

Xuất phát điểm của đại dịch corona xuyên lục địa hiện nay được cho rằng từ một chợ bán động vật hoang dã làm thức ăn ở Vũ Hán. Nó đồng thời cũng là một siêu lò mổ. Ai đã xem đoạn phim về khu chợ tươi máu này thì khó mà quên được. Cùng lúc ở Việt Nam, khách vãn cảnh chùa Hương vẫn đi qua những dãy xác thú rừng thui, treo lòng thòng bên đĩa thịt đỏ ròng. Vừa đi chùa vừa ăn thịt rừng - gói du lịch độc đáo riêng có(!).  Mới đây có thông tin rằng nCoV truyền qua cả đường ăn uống.

Nhìn lại lịch sử, từng có những nạn dịch giết người nhiều hơn cả chiến tranh. Các thảm họa thường hay đi đôi. Chẳng hạn tình trạng thiếu thốn, mất vệ sinh sau chiến tranh lại dẫn đến dịch bệnh. Với nạn dịch hiện tại, người ta đã dự đoán những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội kế tiếp những tổn thất về người. Trừ thiên tai, các thảm họa còn lại thường đều có liên quan tới nạn “nhân mãn”. Quá nhiều người tập trung vào một chỗ và cứ mê mải chạy theo vật chất dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Nhân tai bắt đầu từ đó.

Nhìn từ góc độ tự nhiên, con người đâu khác gì một loại virus không ngừng sinh sôi trên vật chủ là Trái Đất, chỉ có điều chả ăn thua gì với “hệ miễn dịch” của hành tinh này mà thôi. Với người, virus là mầm bệnh. Biết đâu với Trái Đất, đội quân đó lại tựa “bạch cầu” nảy sinh để giải quyết bớt đám “virus” bất trị?!

 Tất nhiên nguyên nhân sâu xa của các loại nhân tai (bao gồm biến đổi khí hậu) không hẳn do nhân loại sinh sản vô tội vạ, mà chính là do nhu cầu, tham vọng của chúng ta bao giờ cũng ở dạng cấp số nhân so với dân số.      

MỚI - NÓNG