Khát vọng quan chức

Khát vọng quan chức
TP - TTXVN đưa tin, sáng 4-2 gần năm chục xe hơi biển xanh, biển đỏ của nhiều bộ, ngành và địa phương đi lễ, đậu san sát trước cửa Đền Trần (Nam Định).

> Khai ấn Đền Trần: Cướp đồ thờ cúng

Đông đảo nhất là xe mang “họ” 90B của tỉnh Hà Nam, tiếp đến là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Thái Bình...đáng chú ý có cả xe 80A và 80B của các bộ, ngành trung ương.

Ngoài chuyện vi phạm chỉ thị cấm dùng xe công vào việc riêng của Thủ tướng Chính phủ, bản tin trên còn cho thấy không những dân mà cả quan ở ta đều có khát khao được thăng quan tiến chức. Trước tiên cần khẳng định, đó là một tín ngưỡng đồng thời là mong ước chính đáng trong xã hội, nếu động cơ chức tước đó không gì khác ngoài phụng sự nhân dân, đất nước.

Thế nhưng tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” dường như vẫn hiện hữu trong dân chúng. Đã là quan rồi thì mong thăng chức to hơn nữa, đang là dân thì cầu ước cho con cháu họ hàng, hoặc chính bản thân mình mau chóng được thăng tiến phẩm hàm. Còn nhớ, những năm trước, nhiều người sẵn sàng đạp lên đầu nhau, hàng chục người ngất xỉu chỉ vì muốn có bằng được lá ấn trong tay. Thế mới biết khát vọng chức quyền trong xã hội ta thật mãnh liệt!

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong lịch sử Việt Nam con đường học tập, đỗ đạt để làm quan là rất phổ biến, ngày xưa, hầu hết những người làm quan đều đặt việc cống hiến, xây dựng xã hội bằng tri thức của mình lên hàng đầu chứ không coi đó là công cụ tạo chức quyền. Đáng tiếc ngày nay, không ít kẻ đã coi “công cụ tạo chức quyền” là bằng cấp rởm, là tiền và những mối quan hệ khác; đồng thời coi trọng bổng lộc, vơ vét hơn việc cống hiến cho xã hội.

Nghị quyết T.Ư 4 vừa chỉ rõ thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí, gây giảm sút lòng tin của dân với Đảng. Không rõ trong số này, có bao nhiêu kẻ từng đi lễ Đền Trần, bao nhiêu kẻ chạy chức chạy quyền? Nếu thánh Đền Trần có thiêng, hẳn Ngài sẽ không thể phù hộ cho cái “bộ phận không nhỏ” này.

Chính vì vậy, rất cần trả lại cho Lễ hội Đền Trần ý nghĩa thanh cao, tích cực như nó vốn có. Được biết, không chỉ Việt Nam mới có khai ấn mà Nhật Bản cũng có, chỉ khác lễ hội ở xứ sở mặt trời mọc không giành giật bằng mọi giá, không giẫm đạp lên nhau, và không căng thẳng như ở ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.