Khát khao cống hiến vì cộng đồng

Anh Bùi Văn Sơn trong một hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân. Ảnh: NVCC.
Anh Bùi Văn Sơn trong một hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân. Ảnh: NVCC.
TP - Không chỉ giỏi chuyên môn, họ còn mang nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cộng đồng, vì người nghèo. Họ là những gương tiêu biểu tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Bác sĩ của người nghèo

Trước thực tế Bệnh viện Ung bướu TPHCM luôn trong tình trạng đông người từ các tỉnh, thành đến khám chữa bệnh, bác sỹ trẻ Nguyễn Hà Phương (31 tuổi, khoa Giải phẫu bệnh, Bí thư Đoàn bệnh viện) cùng các đồng nghiệp đã có phương án khám chữa bệnh, không để bệnh nhân phải chờ lâu.

Những năm qua, bác sĩ Nguyễn Hà Phương cùng đồng nghiệp đã kiên trì thực hiện mô hình tiếp nhận, khám bệnh ngay từ sáng sớm. Từ chỗ chỉ áp dụng với bàn nhận bệnh, dần dần cả khu khám bệnh của bệnh viện triển khai mô hình này. Nếu 4 giờ 30 sáng đã nhận bệnh, đến 5 giờ, các bác sỹ đã có thể khám cho bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân đến khám sớm có thể hoàn tất quy trình thăm khám trong vòng 2-3 tiếng.

 “Việc triển khai cách làm này giúp bệnh viện khám, chữa được từ 1.200 - 1.500 bệnh nhân trong ngày, riêng những giờ sáng sớm có thể giải quyết khoảng 500 lượt người dân. Người dân rất vui khi được khám nhanh, còn chúng tôi thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhiều”, bác sĩ Hà Phương cho biết.

Là Bí thư Đoàn Bệnh viện Ung bướu TPHCM, anh Nguyễn Hà Phương cũng đã tổ chức nhiều chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện ở các tỉnh lân cận. Anh Hà Phương cho biết, từ chỗ chỉ khám tổng quát, đoàn tiến tới khám chuyên sâu với việc đẩy mạnh tầm soát ung thư (ung thư cổ tử cung, vú, giáp…). Ngoài khám chữa bệnh giúp dân, những chuyến hành trình thiện nguyện còn mang đến những phần học bổng, những phần quà ý nghĩa dành cho các em học sinh và các hộ gia đình khó khăn tại các địa phương.

Kỹ sư vì nông dân

Dành nhiều tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kỹ sư Bùi Văn Sơn (29 tuổi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM) luôn tích cực nghiên cứu khoa học, cho ra đời những phương pháp tối ưu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu cho bà con nông dân.

Anh Sơn cũng tham gia chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện của Thành Đoàn TPHCM, trực tiếp chuyển giao những phương pháp kỹ thuật tiên tiến cho bà con nông dân. Trong đó, kỹ thuật trồng rau ăn lá ứng dụng công nghệ cao được anh triển khai đã đem lại năng suất cao, đảm bảo chất lượng cây trồng, góp phần thay đổi dần thói quen trồng rau theo kiểu truyền thống của bà con nông dân.

Với sáng kiến kỹ thuật trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của anh đã giúp nông dân giảm sự phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại, đồng thời giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm rất an toàn cho người sử dụng.

“Bản thân xuất thân từ gia đình nông dân, thấy được nỗi khổ của cha mẹ cũng như người nông dân nên tôi đam mê với nông nghiệp từ nhỏ. Tôi muốn tất cả nông dân đều hướng tới nền nông nghiệp hiện đại để từng bước tạo nên những sản phẩm có thương hiệu và cải thiện cuộc sống”, anh Bùi Văn Sơn chia sẻ.

Mong muốn được cống hiến

Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật điện tại Đại học Công nghiệp TPHCM, anh Lê Duy Phúc (27 tuổi, quê Bến Tre) về đầu quân tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM.

Nhận thấy sự cố điện từ nguồn đến một thiết bị đóng cắt xảy ra gây tổn thất lớn cho khoảng 2.000 – 3.000 hộ dân, anh Phúc có ý tưởng xây dựng mô hình điều khiển từ xa. Nói về đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng hệ thống tự động hóa cho trạm ngắt theo giao thức IEC 61850” của mình, anh Phúc cho biết nếu như đầu tư hệ thống SCADA cho trạm ngắt 15kV hơn 1,1 tỷ đồng/trạm, với phương pháp mới chỉ tốn khoảng 600 triệu đồng/trạm, tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng/trạm. Dự kiến đến năm 2020 sẽ lắp được 60 trạm tại TPHCM.

Anh Phúc còn có sáng kiến “Thực hiện thu thập dữ liệu đo lường các ngăn trung thế phục vụ vận hành tại trạm 220kV Bình Tân và Hiệp Bình Phước” (thực hiện năm 2016) đạt tiêu chuẩn sáng kiến loại A được Hội đồng khoa học Tổng Cty Điện lực TPHCM chứng nhận. Với sáng kiến này đã giúp giảm chi phí cho Cty hơn 400 triệu đồng.

“Các sáng kiến hay đề tài nghiên cứu khoa học của tôi đều xuất phát từ  tình yêu với ngành điện. Tôi mong muốn được cống hiến, đóng góp công sức của bản thân vào công cuộc xây dựng thành phố, xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp, văn minh hơn”, anh Lê Duy Phúc nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.