Khảo sát vùng tâm chấn

Khảo sát vùng tâm chấn
TP - Ngày 8-9, đoàn công tác gồm các nhà khoa học thuộc Viện KH&CN, Viện Vật lý địa cầu đã đến huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bắt đầu công việc khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân các vụ động đất liên tiếp xảy ra xung quanh đập thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua.

> Các nhà khoa học “bắt mạch” động đất

“Tôi cũng sợ và không tin, dân tin sao được”

Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My, BQLDA Thủy điện 3 trước khi khảo sát vùng tâm chấn xung quanh lòng hồ dự kiến kéo dài đến ngày 12-9.

Tại buổi làm việc, TS Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần - trưởng đoàn công tác, thông báo: “Kết quả quan trắc của Viện vật lý địa cầu, khu vực Bắc Trà My từ tối 3-9 đã đo được 11 trận động đất liên tiếp. Trong đó có 2 trận mạnh nhất vào lúc 20h47 tối 3-9 và 9h26 sáng 7-9 với cường độ 4,2 độ richter”.

Ông Trần Văn Hải, Giám đốc BQLDA Thủy điện 3 cho biết: Hiện cao trình nước ở đập Sông Tranh 2 đang ở mức 140,3m. Những ngày qua, lượng nước về lòng hồ chỉ là 60m3/s chưa đủ để phát một tổ máy. Đã 3 tháng nay, hồ chứa Sông Tranh 2 duy trì ở mực nước chết để khắc phục sự cố rò rỉ và đang chờ được cho phép tích nước trở lại.

 Bản thân tôi cũng thấy sợ và thấy không tin, làm sao dân tin được

Hiện tượng rung chấn xuất hiện ở Bắc Trà My khi đập thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã được người dân và chính quyền phát hiện nhưng không nghĩ đó là động đất.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, tháng 11-2010 thủy điện Sông Tranh bắt đầu tích nước thì vùng Bắc Trà My bắt đầu xuất hiện những tiếng nổ lạ.

Huyện nghi ngờ việc người dân đánh bom mìn đánh cá, khai thác vàng nên bí mật giao cho công an và huyện đội điều tra.

Sau nhiều tháng theo dõi, điều tra vẫn không phát hiện điều gì bất thường. Từ cuối năm 2011, động đất xuất hiện kèm theo tiếng nổ, lúc đầu chỉ một số vùng lân cận như thị trấn Trà My, các xã Trà Tân, Trà Đốc cảm nhận được.

Nay động đất đã lan rộng ra cả huyện và ảnh hưởng các huyện Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn.

“Hơn 3 tháng đập nằm ở mực nước chết, động đất lại càng mạnh hơn. Chúng tôi băn khoăn liệu có phải là động đất kích thích hay là động đất kiến tạo?”.

Theo ông Phong vào tháng 12-2011, chính đoàn công tác đã có kết luận là động đất chỉ dao động từ 3,5 đến 4 độ richter, chính quyền mất một thời gian dài để nỗ lực an dân.

Nay động đất đã vượt quá ngưỡng cảnh báo, người dân và chính quyền lại càng hoang mang. Không chỉ nhà dân bị nứt nẻ, mà trụ sở UBND huyện Bắc Trà My được xây dựng kiên cố cũng xuất hiện vết nứt sau những trận động đất từ tối 3-9.

“Bản thân tôi cũng thấy sợ và thấy không tin, làm sao dân tin được”, ông Phong nói thẳng.

UBND huyện Bắc Trà My cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học phải cân nhắc trong quá trình nghiên cứu và báo cáo để có cơ sở tham mưu cho Chính phủ quyết định trong việc cho phép tích nước đập Sông Tranh 2.

Không thể tích nước khi đang có động đất, và an toàn đập chưa thật sự đảm bảo.

Các nhà khoa học đo đạc khảo sát, lấy số liệu ở vùng tâm chấn
Các nhà khoa học đo đạc khảo sát, lấy số liệu ở vùng tâm chấn.

Vấn đề của cả quốc gia 

Trong ngày đầu tiên, đoàn công tác đã khảo sát một số điểm tại vùng tâm chấn ở xã Trà Đốc, nơi có nhiều thiệt hại do động đất.

Tại trường mầm non Hoa Phượng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia tỏ ra quan ngại trước những vết nứt ở đây nhưng vẫn không loại trừ khả năng do kết cấu xây dựng.

Giáo viên của trường khẳng định: các vết nứt nẻ xuất hiện sau các trận động đất. Giáo viên và học sinh hết sức lo sợ, một số phụ huynh không dám cho con em đến trường.

Tại trường THCS Lê Hồng Phong (xã Trà Đốc), khi đoàn đến, hàng trăm phụ huynh đang dự cuộc họp đầu năm. Nhiều phòng học của trường xuất hiện nứt nẻ ở tường sau trận động đất ngày 7-9.

Riêng khu nội trú có nhiều vết nứt kéo dài ở nền nhà. Cô Đào Thị Hà, hiệu trưởng, cho biết: “Họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi cố gắng trấn an phụ huynh để tránh trường hợp học sinh bỏ học do sợ hãi”.

TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, cho rằng: “Khả năng có và sẽ còn xảy ra động đất ở khu vực Bắc Trà My nhưng khó vượt qua ngưỡng mức thiết kế của đập Sông Tranh 2.

Sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cấp kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu về diễn biến động đất và lắp đặt hệ thống quan trắc động đất ở huyện Bắc Trà My”.

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Chính quyền và người dân địa phương rất lo lắng trước hiện tượng động đất và an toàn đập Sông Tranh 2. Đây là vấn đề quốc gia, không riêng gì của Quảng Nam, các nhà khoa học sớm có câu trả lời chính xác, có cơ sở khoa học và thuyết phục nhất, để chính quyền sớm an dân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.