Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La

Chạy thử dây chuyền để sản xuất nước nhãn cô đặc
Chạy thử dây chuyền để sản xuất nước nhãn cô đặc
Nhà máy do Tập đoàn TH đầu tư trị giá 1.200 tỷ đồng, công suất đạt 300 tấn hoa quả/ngày tại Sơn La – tỉnh có sản lượng hoa quả lớn thứ 2 toàn quốc. Với nhà máy này, nông dân Sơn La và các tỉnh lân cận có cơ hội thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, lo lắng về đầu ra của nông sản.
Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 1

Tham dự Lễ khánh thành có bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Ngày 20/9, tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Tham dự Lễ khánh thành có bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương và địa phương.

Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 2 Nghi thức khánh thành nhà máy

Nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Trong đó, chế biến áp suất cao HPP là một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới. Với quả nhãn, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì hiện Sơn La có sản lượng lớn nhất toàn quốc với gần 100.000 tấn, giá bán vụ nhãn vừa qua chỉ giao động 5000-8000 đồng/kg.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La, Hòa Bình và Yên Bái. Trong đó, Tập đoàn sẽ triển khai dự án liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã công nghệ cao. Riêng tại Sơn La, toàn tỉnh hiện có 72.000 hecta tổng diện tích cây ăn quả và cây táo mèo, tăng gấp 3 lần so với diện tích năm 2015, là tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ hai trên toàn quốc.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 3 Nghi thức bấm nút vận hành dây chuyền

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho hay, dự án này sẽ tiếp tục là minh chứng của việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 để tạo đột phá cho ngành nông nghiệp. Bà Thái Hương đề nghị các cơ quan trung ương, tỉnh Sơn La thông qua những chính sách đặc thù để có thể mở rộng quy mô, hiệu quả của các dự án. “Tập đoàn không xin tiền mà xin cơ chế chính sách và cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Với Sơn La, sau hoa quả, Tập đoàn sẽ phát triển thảo dược, tiếp đến là du lịch” – bà Thái Hương nói.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 4 Doanh nhân Thái Hương phát biểu tại lễ khánh thành

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, dự án là niềm vui chung của tỉnh Sơn La. “Từ nay, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo “được mùa mất giá”, hay lo về đầu ra của sản phẩm sản xuất được” – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói và kỳ vọng tỉnh Sơn La sẽ đưa thương hiệu hoa quả đáng tự hào của mình ra thế giới.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 5 Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: “Từ nay, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo “được mùa mất giá”, hay lo về đầu ra của sản phẩm sản xuất được”

Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá: “Với định hướng liên kết với nông dân qua Hợp tác xã mà Tập đoàn TH và chị Thái Hương đã vạch ra cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ, tôi tin tưởng đây sẽ là mô hình Hợp tác xã kiểu mới, chủ động ứng dụng công nghệ cao khi người nông dân được tập hợp lại, cùng tự nguyện liên kết sản xuất, để không còn ai bị bỏ lại phía sau”. Phó Chủ tịch quốc hội cho rằng, dự án chắc chắn cũng sẽ giúp cán bộ các cấp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và người nông dân đổi mới tư duy, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đứng trước các cơ hội làm ăn lớn, hội nhập quốc tế.

Khánh thành nhà máy chế biến hoa quả công nghệ hàng đầu thế giới tại Sơn La ảnh 6 Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cảm ơn Tập đoàn TH và cá nhân bà Thái Hương đã đầu tư dự án tại Sơn La, mong muốn Tập đoàn tiếp tục đầu tư các dự án để góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa Sơn La ngày càng phát triển. Ông Đông cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển nguyên liệu an toàn bền vững, xây dựng chuỗi liên kết với Tập đoàn thông qua xây dựng các hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu.

Nhà máy sử dụng công nghệ của Tập đoàn Rieckermann (Đức) và Công ty Bertuzzi của Italia. Trong đó, Rieckermann là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực cung cấp các giải pháp công nghiệp, có tuổi đời 128 năm, thiết kế dây chuyền sản xuất trái cây với tính đồng bộ và tự động hóa cao từ khâu rửa quả tự động, tách vỏ, trích ly đến cô đặc và đóng gói.

Dây chuyền của Bertuzzi là dây chuyền thế hệ mới nhất, được tích hợp những công nghệ mới và hiện đại nhất, như thiết bị trích ly chuyên dụng cho nhãn và cam, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến nhất của Đức. Dây chuyền có khả năng mở rộng và tích hợp để có thể sản xuất nhiều loại trái cây khác như táo mèo, chanh leo, xoài, ổi, bưởi...

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng với sự nỗ lực và phối hợp tuyệt vời giữa các chuyên gia của Rieckermann (Đức), Bertuzzi (Italia) và Tập đoàn TH đã được lắp đặt và chạy thử thành công. Sản phẩm chạy thử đã đạt được kết quả tốt theo đúng tiêu chuẩn từ mẻ sản xuất thử nghiệm đầu tiên.

Trong khi các dây chuyền, công nghệ khác chỉ thu hồi được khoảng 70% và chất lượng kém hơn rất nhiều do sử dụng thiết bị "đa năng" thì dây chuyền của Nhà máy chúng ta đạt tỉ lệ thu hồi cao, lên tới hơn 80% đối với một số loại trái cây. 

Các hệ điều khiển tiên tiến đều được áp dụng trong dây chuyền như động cơ điều khiển bằng biến tần giúp tối ưu hóa năng lượng, lên đến 55% so với các công nghệ khác, giúp tiết kiệm rất lớn nguồn điện. Tất cả các thiết bị nâng trong nhà máy đều dùng điện, không dùng dầu như các công ty khác. Vì vậy, có thể nói đây là dây chuyền hiện đại và thân thiện với môi trường. 

Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, được dẫn ra khỏi nhà máy tới nhà chứa bã bằng trục vít khép kín. Tại đây bã sẽ được phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Qui trình này hoàn toàn khép kín, giảm thiểu mùi và ô nhiễm môi trường.

Nhà máy được kiểm soát bằng các hệ thống quản lý như ISO 9001:2015 về Quản lý chất lượng, ISO 22000: 2005 về ATTP, ISO 14001: 2015 về môi trường, ISO 45001:2018 về An toàn sức khỏe. Đồng thời được chứng nhận bởi tổ chức SGS của Thụy Sỹ, một trong những tổ chức lớn nhất thế giới về đánh giá chứng nhận cho các tập đoàn sản xuất lớn về thực phẩm đồ uống trên thế giới.

MỚI - NÓNG