Sáng 1/4, tại xóm Trang Đồng, thôn Phú Long 2 (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gia đình cùng các học trò của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng đã tổ chức khánh thành Minh bia tưởng niệm tại phần mộ của thầy.
Bia tưởng niệm nhà giáo Nguyễn Đình Thảng được dựng trong khuôn viên tại xóm Trang Đồng, thôn Phú Long 2 (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn).
Những thế hệ học trò từ Khoa Hán Nôm (ĐH Tổng hợp Hà Nội) và Khoa Ngữ Văn (ĐH Tổng hợp Huế) về dự lễ khánh thành. |
Thầy Nguyễn Đình Thảng là một trong những cán bộ đầu tiên của ngành Hán Nôm (thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu tiên năm 1990. Không chỉ giảng dạy, thầy Nguyễn Đình Thảng còn là người có công sưu tầm, nghiên cứu và biên dịch nhiều văn bia, thư tịch cổ quan trọng của miền Trung cũng như cả nước.
Năm 2005, cuốn “Việt Nam Bách Gia Thi” (dày 108 trang, khổ 90x150cm, nặng 54kg), gồm 100 bài thơ chữ Hán của 100 nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam từ thế kỷ X đến XX do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh - một học trò của thầy biên soạn, tuyển chọn, được thầy Nguyễn Đình Thảng thể hiện thư pháp thể chữ chân.
Tại buổi lễ, những câu chuyện, kỷ niệm về người thầy đáng kính được các thế hệ học trò cùng nhau chia sẻ, ôn lại. Một người thầy trí tuệ uyên bác, tâm đức từ hòa, cốt cách mẫu mực, suốt một đời dùng chữ nghĩa thanh cao và tâm đạo tôn nghiêm để dìu dắt, dạy bảo bao thế hệ học trò trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, học trò của thầy giáo Nguyễn Đình Thảng ôn lại những kỷ niệm về người thầy lớn nhất đời mình. |
Bài minh bia về thầy mình đã được ông Cao Tự Thanh soạn từ 16 năm trước. |
Cùng ôn lại những kỷ niệm về thầy |
Những học trò qua các thế hệ thắp nén nhang trước phần mộ của thầy Nguyễn Đình Thảng. |
Thầy giáo Nguyễn Đình Thảng (1925-2007), quê quán xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông từng học và giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau 1975 là giảng viên Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), là một trong những người vào tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên, và là người đặt nền móng ngành Hán - Nôm cho trường.