Phát lệnh khánh thành đường trên cao Mai Dịch – cầu Thăng Long, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá, việc hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn trên cao này sẽ từng bước khép kín tuyến đường vành đai 3, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của Hà Nội. Tuyến đường sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông phía Tây Hà Nội, giảm tải cho tuyến Phạm Văn Đồng, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và hành khách giữa Hà Nội với các địa phương lân cận.
Trong tương lai, theo Phó Thủ tướng, khi Hà Nội phát triển mở rộng, đường vành đai 3 sẽ là tuyến chính yếu kết nối các khu vực Hà Nội, cùng với Sông Hồng tạo trục không gian và cảnh quan.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ngành của Hà Nội phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hoàn thiện nốt các nhánh lên/xuống. Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu sử dụng vốn dự phòng của dự án đầu tư xây dựng hầm qua Hoàng Quốc Việt, để phát huy tối đa hiệu quả dự án này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng lãnh đạo các bộ ngành và Hà Nội cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng đoạn trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đoạn cầu cạn Mai Dịch – cầu Thăng Long dài hơn 5,3km (cầu cạn dài hơn 4,5km), tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 4.520 tỷ đồng (hơn 20,5 tỷ Yên), và 817 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Cầu cạn chạy dọc theo đường Phạm Văn Đồng (thuộc đường vành đai 3 Hà Nội), quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, khởi công từ tháng 1/2018.
Sau khi đưa vào sử dụng đoạn đường trên cao, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ tiếp tục triển khai thi công hoàn chỉnh 6 nhánh lên/xuống, dự kiến xong vào quý II/2020. Đồng thời, sẽ tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại, để khép kín tuyến trên cao.
Chùm ảnh khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long. Ảnh Như Ý: