Kháng thể từ lạc đà có thể điều trị COVID-19 hiệu quả hơn nhiều so với kháng thể của người

0:00 / 0:00
0:00
Virus SARS-CoV-2 có thể liên kết với siêu kháng thể của lạc đà và bị vô hiệu hóa.
Virus SARS-CoV-2 có thể liên kết với siêu kháng thể của lạc đà và bị vô hiệu hóa.
TPO - Một loại kháng thể siêu nhỏ, độc đáo sinh ra từ cơ thể lạc đà có thể sẽ là một phương pháp điều trị mới ở tuyến đầu mà bệnh nhân COVID-19 có thể sử dụng dưới dạng xịt mũi đơn giản.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Rosalind Franklin của Mỹ dẫn đầu đã chỉ ra rằng các kháng thể nano, một dạng kháng thể siêu nhỏ, đơn giản được tạo ra bởi lạc đà không bướu, có thể nhằm vào và tiêu diệt SARS-CoV-2 gây ra COVID-19.

Họ phát hiện ra rằng, các chuỗi phân tử ngắn, có thể được sản xuất với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm, làm giảm đáng kể các dấu hiệu của bệnh COVID-19 khi được sử dụng cho các mô hình động vật bị nhiễm bệnh.

Các kháng thể nano, liên kết chặt chẽ với SARS-CoV-2, vô hiệu hóa nó trong quá trình nuôi cấy tế bào, có thể cung cấp một giải pháp thay thế rẻ hơn và dễ sử dụng hơn cho các kháng thể của người được lấy từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19.

Hiện nay, kháng thể của con người là phương pháp điều trị quan trọng đối với các ca COVID-19 nghiêm trọng.

Giáo sư Ray Owens, người đứng đầu bộ phận sản xuất protein tại Viện Rosalind Franklin và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Các kháng thể nano có một số ưu điểm so với kháng thể của con người. Chúng rẻ hơn để sản xuất và có thể được cung cấp trực tiếp đến đường hô hấp thông qua máy phun sương hoặc thuốc xịt mũi, vì vậy có thể tự sử dụng tại nhà thay vì tiêm."

Nhóm nghiên cứu, những người có phát hiện độc đáo này, đã công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Nature Communications. Họ cho biết, họ có thể tạo ra các kháng thể nano bằng cách tiêm một phần protein đột biến SARS-CoV-2 vào một con lạc đà tên là Fifi, là một phần của cơ sở sản xuất kháng thể tại trường Đại học y khoa Rosalind Franklin. Mặc dù việc tiêm này không làm Fifi bị bệnh, nhưng nó kích hoạt hệ thống miễn dịch của con lạc đà chống lại protein của virus bằng cách tạo ra các kháng thể nano chống lại nó. Sau đó, một mẫu máu nhỏ được lấy từ con lạc đà này và các nhà nghiên cứu đã có thể tinh chế bốn kháng thể nano có khả năng liên kết với SARS-CoV-2 và vô hiệu hóa chúng.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiêm những kháng thể này cho chuột lang bị nhiễm SARS-CoV-2 và thấy bệnh giảm rõ rệt.

Giáo sư James Naismith, Giám đốc Viện Rosalind Franklin, người đã giúp dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù vắc xin đã được chứng minh là thành công vượt trội, nhưng không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với tiêm chủng và khả năng miễn dịch có thể suy yếu ở các cá nhân vào những thời điểm khác nhau” .

Giáo sư Naismith cho biết thêm: "Việc có các loại thuốc có thể điều trị virus vẫn sẽ rất quan trọng, nhất là vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng bỏ qua miễn dịch vắc xin. Nếu thành công và được chấp thuận, các kháng thể nano có thể cung cấp một phương pháp điều trị quan trọng trên khắp thế giới vì chúng dễ sản xuất hơn các kháng thể của con người và không cần phải bảo quản trong các kho lạnh."

Nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học tại Đại học Liverpool, Đại học Oxford và Y tế Công cộng Anh, đang hy vọng sẽ nhận được tài trợ để họ có thể tiến hành các nghiên cứu sâu hơn cần thiết để chuẩn bị cho các nghiên cứu lâm sàng trên người.

Theo MedicalXpress
MỚI - NÓNG