Đây là nội dung trong công văn khẩn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm COVID-19.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại chỗ.
Tính đến nay, các nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.
Để đảm bảo đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì trong bối cảnh diễn biên phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới như hiện nay, các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm có nguồn cung ứng hạn chế và giá thành cao.
Trong giai đoạn hiện nay, các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu.
Theo Bộ Y tế, phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân Y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký.
Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.
Tính đến hết ngày 10/4, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm cộng dồn là 118.807, trong đó số mẫu dương tính là 257; số mẫu âm tính là 118.550.