Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - "Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2022" sau khi lên sóng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như phản hồi tích cực của khán giả xem truyền hình. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng chương trình năm nay "bắt trend" khá tốt với những trào lưu của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, nhưng đối với thế hệ trước 8X hay những người lớn tuổi thì khó có thể "bắt sóng"?

Là một món ăn tinh thần đêm Giao thừa của người dân Việt Nam trong suốt gần 20 năm qua, Táo Quân 2022 đã chính thức được "trình làng" vào tối ngày 31/1 (tức 29 Tết Nguyên đán) trong sự háo hức mong đợi của hàng triệu khán giả. Với diễn xuất duyên dáng, ăn ý của các Táo quen thuộc như Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng, Chí Trung... cùng các gương mặt mới như Trung Ruồi, Duy Nam, Anh Thơ... Táo Quân 2022 tiếp tục trở thành đề tài thảo luận nóng hổi trên các mạng xã hội hậu chương trình.

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 1

Phần lớn nhiều khán giả cho rằng Táo Quân 2022 ấn tượng hơn những năm trước, kịch bản gãy gọn, đá thẳng vào những vấn đề nhức nhối. Tuy cặp Nam Tào - Bắc Đẩu mới còn khá non nhưng đã lan toả được tinh thần vui vẻ, tích cực, cũng không đến mức gây khó chịu.

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 2

Tuy nhiên, bên cạnh những phản hồi tích cực của khán giả thì Táo Quân 2022 vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung cũng như kịch bản của chương trình. Cụ thể, có ý kiến từ người dùng mạng xã hội về Táo Quân năm nay như sau:

"Mình là nữ 35 tuổi, ông xã hơn mình 2 tuổi, tụi mình có một cậu con trai học lớp 4. Tối nay gia đình mình bao gồm cả bố mẹ chồng cùng ngồi xem Táo Quân. Bản thân mình đánh giá kịch bản năm nay "bắt trend" khá tốt, nếu ai thích xem TikTok như con trai mình thì tha hồ cười "không trượt phát nào", mình thì cũng thỉnh thoảng xem cùng con nên update kha khá. Nhưng ông xã mình thì ít dùng mạng xã hội nên thành ra có một số chi tiết không hiểu là gì nên không thấy buồn cười. Còn bố mẹ chồng thì nhiều lúc "đơ" luôn. Nhất là đoạn nhắc đến "nhìn sang trái" hay "enjoy cái moment này".

Dù biết Táo Quân là chương trình giải trí nên việc "bắt trend" không có gì đáng phải bàn cãi. Nhưng cá nhân mình thấy đây là chương trình dành cho khán giả ở nhiều lứa tuổi. Dù có "bắt trend" thì nên chọn "trend" gì phổ biến một chút. Như trước đây khi biên kịch chế lời bài hát thì cũng chọn những bài nhạc phổ biến, bắt tai, nhiều lứa tuổi biết đến. Ví dụ bài "Lụt từ ngã tư đường phố" hay "Hoang mang style" gây được ấn tượng mạnh với người xem ở mọi lứa tuổi. Chứ mấy cái trào lưu trên TikTok thì nhiều người lớn tuổi làm sao mà biết.

Với mình thấy Táo Quân những năm trước luôn có những câu nói làm "dậy sóng", kiểu như tạo thành xu hướng luôn. Chứ năm nay thấy chương trình dường như đang tổng hợp lại những câu phát ngôn viral trên mạng xã hội ý, kiểu nhắc lại mấy câu của Chi Pu, "streamer" Phương Hằng hay "Hải, quay xe!", không có gì quá đặc sắc hay tạo được nét riêng của Táo Quân 2022 cả.

Dàn diễn viên cũ như "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh, "Táo Mạng" Tự Long, "Táo Xã hội" Vân Dung, "Táo Giao thông" Chí Trung vẫn là cốt cán, nhiệm vụ "gánh còng lưng" cho các diễn viên khác. Tóm lại là Táo Quân 2022 "được lòng" giới trẻ hơn cả, người lớn tuổi thì khó mà bắt sóng kịp".

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 3

Ý kiến này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý cùng những tranh cãi từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình với "chủ thớt", cho rằng chương trình nên có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với khán giả nhiều lứa tuổi, tránh tình trạng người trẻ thì thích thú, người lớn tuổi lại "ngơ ngác".

Thế nhưng cũng có những ý kiến "phản pháo" rằng việc "bắt trend" cũng thể hiện tính thời sự, nhất là trong thời kì 4.0, mạng xã hội chính trở thành một kênh giao tiếp không thể thiếu của con người. Việc cập nhật những xu hướng trên mạng cũng không khác gì việc chúng ta xem ti vi, đọc tin tức mỗi ngày.

- Mình thấy chủ thớt này nói có những ý rất đúng. Dù sao đây là chương trình có đối tượng khán giả rộng, lại phát sóng trong dịp Tết, các gia đình tụ họp thì nên có tính phổ biến hơn. Chứ cả nhà cùng nhau ngồi xem, trẻ thì cười còn già thì ngơ ngác, nghĩ cũng hơi kì.

- Mấy cái trend này mà ông nào chăm lướt TikTok thì biết hết, thấy em gái mình bảo thế chứ mình đi làm bận tốt mặt, thời gian ngủ còn không có thì làm sao mà biết được. Xem xong Táo Quân mà thấy mình "lạc hậu" quá đi, còn chẳng biết "Nhìn sang trái..." là cái gì.

- Thật ra trước đây Táo Quân cũng có nhắc đến những vấn đề mà người lớn hiểu còn người trẻ không hiểu, giờ có những chi tiết ngược lại thì có sao đâu nhỉ? Nếu nhà bạn có ba mẹ, ông bà đã lớn tuổi, chưa biết mấy cái "trend" TikTok thì bạn có thể tiện đây "update" cho mọi người cũng được mà.

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 4

"Táo Mạng" Tự Long là một trong những vai diễn gây ấn tượng mạnh tại Táo Quân 2022.

Có thể thấy rằng, Táo Quân năm nay đã có những màn "bắt trend" khá tốt. Điển hình là trào lưu "Nhìn sang trái, dòng người vội vàng bước qua..." cực hot trên TikTok trong thời gian gần đây đã được "Táo Mạng" Tự Long mang đến buổi chầu để hướng dẫn cho Ngọc Hoàng. Được biết, "trend" này bắt nguồn từ ca khúc Bước Qua Nhau của ca sĩ Vũ. Từ trào lưu này, Ngọc Hoàng cùng các Táo đã gửi gắm đến khán giả thông điệp vô cùng ý nghĩa: "Năm mới đến, chúng ta hãy cùng nhau "Nhìn sang phải", đừng để mặt trái lấn át mặt phải".

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 5

Cùng với trào lưu "Nhìn sang trái...", một trong những trào lưu "làm mưa làm gió" trên TikTok năm vừa qua là "Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé" bắt nguồn từ ca khúc Tình Bạn Diệu Kỳ cũng được các Táo "điểm danh" trong buổi chầu cuối năm này. Hay khi Ngọc Hoàng hỏi Táo Giao thông rằng: "Tiền nhiều để làm gì?", Táo Giao thông đáp ngay: "Để mang về cho mẹ" - trào lưu "Mang... về cho mẹ" phổ biến trên mạng xã hội xuất phát từ MV Mang Tiền Về Cho Mẹ của rapper Đen Vâu.

Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng Tiếng Anh bồi hay nói chuyện theo cách "nửa Việt nửa Tây" của một bộ phận giới trẻ hiện nay cũng được "Táo Mạng" Tự Long lồng ghép vào "bản báo cáo" trình lên Ngọc Hoàng. Cụ thể là câu nói "gây bão" mạng xã hội của nữ ca sĩ Chi Pu: "people make it complicated", "enjoy cái moment này"...

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 6

(Ảnh: Nguyễn Thành Vinh/ Group Trại Tâm Thần Đa Ngôn Ngữ 0.2)

Hay là phân đoạn Táo Kinh tế phải trả lời câu hỏi của Ngọc Hoàng: “Hãy nêu phạm trù liên quan đến kit test là gì?”. Táo Kinh tế tỏ ra bối rối, hoang mang với yêu cầu này và đưa ra câu trả lời khiến khán giả không biết nên khóc hay nên cười. Cụ thể, Táo Kinh tế đã trả lời: "Kit có nghĩa là hôn, test nghĩa là thử, như vậy chốt lại, kit test có nghĩa là hôn thử".

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 7

(Ảnh: Nguyễn Thành Vinh/ Group Trại Tâm Thần Đa Ngôn Ngữ 0.2)

Từ "kiss" trong tiếng Anh mới có nghĩa là "hôn", còn "test" nghĩa là "kiểm tra". Trên thực tế, kit test là từ khoá thuộc lĩnh vực y tế. Cụ thể bộ kit test COVID-19 là dụng cụ test nhanh được sử dụng tại nhà hoặc được các nhân viên y tế sử dụng để kiểm tra 1 người nào đó có dương tính với virus SARS-CoV-2 hay không. Thế nhưng, Táo Kinh tế lại dịch tiếng Anh theo kiểu word-by-word, đây là kiểu dịch dẫn đến sai nghĩa của câu/ từ, nhưng đôi khi người học tiếng Anh vẫn mắc phải.

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 8

Từ những màn "bắt trend không trượt phát nào", không thể phủ nhận nội dung của Táo Quân 2022 dường như đã "trẻ hoá" hơn so với mọi năm. Có thể đây cũng là "ý đồ" của ê-kíp chương trình khi năm nay Táo Quân đã có nhiều thay đổi về mặt nhân sự cũng như đổi mới về kịch bản. Thế nhưng dù sao thì Táo Quân 2022 cũng vẫn giữ được những màu sắc truyền thống, những nét chấm phá riêng khiến khán giả xem truyền hình không hề thất vọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần tạo nên không khí vui tươi, ấm áp trong dịp Tết đến.

Khán giả cho rằng giới trẻ thích thú với Táo Quân 2022 còn người lớn thì "khó bắt sóng"? ảnh 12
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm