Ngày 3/11, tin từ Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM (BQLDA) cho biết, UBND thành phố yêu cầu sau khi có kết quả kiểm định, BQLDA sẽ yêu cầu đơn vị có lỗi gây ra vết nứt các đốt hầm hoàn trả lại ngân sách phần kinh phí tạm ứng nói trên.
Một số chuyên gia cho Tiền phong biết những vết nứt này chỉ là vết rạn chân chim trên bề mặt bêtông và không đáng lo ngại, việc khắc phục không quá phức tạp, như chỉ cần quét phụ gia chuyên dụng để bít các vết nứt.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng nguyên nhân xuất hiện các vết nứt là do co ngót bê tông cộng thêm: không kiểm soát được lượng nước dùng cho 1 m3 bê tông; công tác bảo dưỡng độ bay hơi của hơi nước trong bê tông không đúng quy trình; bố trí thép cấu tạo chưa hợp lý...
Còn theo nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) giải thích trong báo cáo, vì hàm lượng nước trên xi măng ít, cùng việc phân tầng trong bê tông, điều kiện môi trường làm tăng các vết rạn. Nhà thầu này đề xuất biện pháp khắc phục: Các vết nứt có chiều rộng nhỏ hơn 0,1 mm không cần phải sửa chữa; chiều rộng từ 0,1 - 0,2 mm thì phủ keo Epoxy lên bề mặt vết nứt bằng loại vật liệu chuyên dụng...
Đối với mặt ngoài của đốt hầm, sẽ kiểm tra hình dạng vết nứt, sửa chữa trước khi phun chống thấm. Mặt trong đốt hầm dìm phải được kiểm tra sửa chữa sau khi đánh dìm và đắp trả.
Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn PCI, ngoài những nguyên nhân đã nêu, việc 4 đốt hầm dìm bị nứt còn có một phần do vật liệu xi măng loại nhiệt thủy hóa thấp có đặc tính dễ trương nở khi nhiệt độ cao và không loại trừ khả năng do tay nghề của công nhân chưa đạt yêu cầu. Do đó, phương án xử lý của nhà thầu là cơ bản phù hợp.
Tuy nhiên, nếu áp dụng phương án này cho các vết nứt ở tường bên và bản đỉnh là không chính xác, bởi lựa chọn các vết nứt để sửa chữa không chỉ căn cứ vào sự thay đổi của lớp bê tông bảo vệ và chiều rộng vết nứt mà còn có các yếu tố khác như chức năng, tầm quan trọng, tuổi thọ và mục đích của kết cấu.
Theo đánh giá của một quan chức BQL DA, sự cố hầm dìm Thủ Thiêm đã làm chậm tiến độ xây dựng, lắp ghép các đốt hầm xuống đáy sông Sài Gòn tối thiểu là 6 tháng. Hầm chui dưới đáy sông Sài Gòn thuộc dự án đại lộ Đông Tây, là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Theo thiết kế, 4 đốt hầm có chiều dài mỗi đốt là 93 m, rộng 33 m, cao 9 m, bề dày thành hầm hơn 1,2 m được cấu tạo bởi bê tông cốt thép chống thấm có tuổi thọ trên 100 năm và được dìm xuống đáy sông Sài Gòn ở độ sâu xấp xỉ 14 m so với mặt nước. Nếu không xảy ra sự cố, dự kiến hầm sẽ hoàn thành, chính thức được vận hành vào đầu năm 2010.