Khăm Phết xót Khăm Bun

Khăm Phết xót Khăm Bun
TP - Không ai biết Khăm Bun hiện bao nhiêu tuổi, nặng bao nhiêu ký, nhưng câu chuyện về chú voi này từ báo chí, trong đó có Tiền Phong lan đi như một niềm xúc cảm lớn.

Để rồi Khăm Phết Lào, thầy thuốc từ Tây Nguyên, nước mắt vắn dài đáp máy bay chuyến sớm nhất có thể ra Hà Nội buổi tối, kịp khám Khăm Bun sáng hôm sau. Ba chuyên gia Mỹ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên bảo vệ động vật hoang dã cấp tập ghé thăm Khăm Bun.

Hàng loạt cuộc điện thoại đổ về Liên đoàn Xiếc và bản báo, trong đó có những em bé độ tuổi Khăm Bun, xin góp công, góp tiền nuôi Bun trở lại khỏe như voi.

Từ hai năm nay, có một phụ nữ ở phố Minh Khai, Hà Nội, ngày hai buổi chở chuối, mía, dưa hấu, bánh mỳ, cơm tẩm đường vào cho Khăm Bun ăn. Hà Nội lụt năm ngoái, vợ chồng chị sấp ngửa lội nước chở thức ăn cho Bun.

Những anh bánh mỳ, những chị bán hoa quả biết chị nuôi voi, ban đầu chép miệng “giàu thế”, sau lại bán rẻ cho chị. Bánh mỳ trong ngày lụt họ có thể bán 4.000 - 5.000 đồng, nhưng bán cho chị 1.300 đồng. Đu đủ chín quá không thể làm nộm, họ cho chị có khi cả yến.     

Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tỉnh Đăk Lăk gặp Liên đoàn Xiếc cứ nhắc đi nhắc lại: “Bun sống, chúng ta sống”. Một số người giàu lên từ voi, nhưng họ cũng tôn trọng voi, như ngư dân tôn thờ cá voi.

Vừa nhang nhác bóng người, Bun đã cúi chào thầy thuốc Khăm Phết Lào từ xa. Kiểu chào của những người thân lâu ngày gặp lại. Bun biết dọa mẹ Hà mỗi lúc ăn phải quả chua thối và cọ vòi nũng nịu khi được chị Hà nựng yêu: “Ăn đi con, ăn cho chóng khỏi bệnh”. Bàn chân Khăm Bun đang sưng tấy mưng mủ.

Một bác sỹ thú y nói, voi sống ở rừng, có thể thọ tới 100 tuổi, nhưng chỉ sống được 40- 60 tuổi ở rạp xiếc. Nghề diễn nghiệt ngã không cứ với voi. Xa môi trường sống, tách rời mẹ cha, cách lìa bầy bạn lại càng tổn thọ. Chúng ta không có quyền thờ ơ trước những ứng xử tệ hại đối với con vật thông minh biết đem lại niềm vui cho loài người.

Tiền Phong trân trọng tình cảm ấm áp bạn đọc dành cho Khăm Bun, dù Liên đoàn Xiếc Việt Nam chưa đồng ý tiếp nhận những đóng góp này.

Khăm Bun chưa trưởng thành, đang trọng bệnh, mang lại cho chúng ta nhiều xúc cảm. Tuy nhiên, một số  người sẽ cho rằng người còn khổ nữa là voi, nghệ sỹ xiếc nhận lương bèo bọt còn không kêu, kêu hộ voi làm gì.

Nhưng, nhìn rộng hơn một chút, sẽ thấy người lớn thường dạy trẻ con yêu động vật, tại sao bây giờ nhiều người lớn lại lờ đi? Trái tim trẻ con ra sao khi vào rạp xiếc nhìn những con thú cần mẫn biểu diễn và hình dung cảnh những con thú ấy bị tù đày, huấn luyện, thậm chí đối xử tàn tệ đằng sau sân khấu?

Tâm hồn và thế giới quan trẻ em sẽ thế nào nếu các em không có cơ hội nhìn ngắm thế giới động vật, nếu các em không được nuôi dưỡng một thứ tình cảm để ngay cả khi ôm ấp con cún nhà mình cũng có thể và mong muốn vươn vòng tay nhân ái xa hơn nữa?

May mà Khăm Bun đang có nhiều vòng tay ấm áp như vậy ở xung quanh, những vòng tay của hàng vạn, hàng triệu Khăm Phết không chỉ riêng trên đất Tây Nguyên, không chỉ ở đất nước này.

MỚI - NÓNG