Khám phá mới từ tờ lệnh Hoàng Sa

Khám phá mới từ tờ lệnh Hoàng Sa
TP- Có thêm phát hiện mới về tờ lệnh Hoàng Sa được dòng họ Đặng ở Lý Sơn gìn giữ suốt 175 năm qua.

Cai đội Võ Văn Hùng, đà công Đặng Văn Siểm, phường An Hải, huyện Bình Sơn; Nguyễn Văn Danh ở Mộ Hoa (tức huyện Mộ Đức ngày nay); Ao Văn Trâm ở Lệ Thủy Đông (thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất)...

Tên những hùng binh được ghi trong tờ lệnh Hoàng Sa, họ là ai? Qua tờ lệnh Hoàng Sa đã góp phần giải mã, đội dân binh đi lính Hoàng Sa phần lớn là ngư dân đảo Lý Sơn, ngoài ra còn tuyển mộ ngư dân thông thạo nghề biển, có sức khỏe từ rất nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi và cả tỉnh Bình Định.

“Quân lệnh như sơn, thưởng phạt nghiêm minh”. Mặc dù nhận lệnh đi Hoàng Sa thì “người đi thì có mà không thấy về”. Khi nhận lệnh, những binh phu này hoàn toàn không được tắc trách và chậm trễ. Đó cũng là cách để Triều đình nhà Nguyễn duy trì được đội Hoàng Sa suốt thời gian dài.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, ngoài tờ lệnh Hoàng Sa, dòng họ Đặng trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các văn bản cổ, nội dung đề cập nhiều chi tiết về kỷ luật sắt đối với những người nhận lệnh đi lính Hoàng Sa: Cai đội Võ Văn Hùng giỏi việc đi thuyền, rành rẽ hải phận, là người được cử đi từ năm trước (1833), nên lần này (1834) lại được quan Án sát và Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển chọn thêm những binh phu am hiểu hải trình, đưa các phái viên ở kinh thành, biền binh, thủy quân thẳng tiến ra đảo Hoàng Sa.

Khám phá mới từ tờ lệnh Hoàng Sa ảnh 1
Lễ bàn giao tờ lệnh Hoàng Sa

Cũng vào năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi - 1835), chuyến đi Hoàng Sa về chậm trễ, đo vẽ bản đồ chưa chu toàn, cai đội Phạm Văn Nguyên và các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoàng bị phạt mỗi người 80 trượng. Nhưng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh có công trong việc hướng dẫn binh thuyền, tận tâm đo đạc hải trình nên được thưởng mỗi người một quan Phi Long ngân tiền. Còn các dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đi mỗi người cũng được thưởng một quan tiền.

Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cũng chính Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh cùng Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, người chỉ huy chuyến đi Hoàng Sa lần này, do khởi hành chậm trễ nên đều bị phạt, tuy nhiên các binh phu vẫn được thưởng hai quan tiền.

Dựng hải đăng cách đây hàng trăm năm

Nhiều tờ báo phản ảnh thời gian trong tờ lệnh Hoàng Sa là năm Ất Mùi - 1835. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, chính xác là năm Giáp Ngọ (tức năm 1834). Chỉ sai số một năm nhưng lịch sử thì không thể xê dịch.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Quảng Ngãi trấn trở thành tỉnh Quảng Nghĩa và đặt hai ty Bố - Án (Bố chánh và Án sát) thuộc Quảng Nam. Tiến sĩ Phanh Giản kiêm chức Tuần phủ Nam -Ngãi (cả Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi). Chính vì vậy, người ban hành tờ lệnh không phải là vua Minh Mạng mà là quan Bố chánh - Tôn Thất Bạch và Án sát - Đặng Kim Giám ở cổ thành cùng đóng dấu triện trên tờ lệnh.

Tuy vậy vẫn không làm thay đổi giá trị của tờ lệnh. Tờ lệnh này chứng minh đây là việc cơ mật và được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo Đại Nam Thực Lục (cuốn 104) (ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trần thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc sử Quán triều Nguyễn biên soạn) có đoạn ghi lại: “Năm (1833), vua Minh Mạng đã bảo Bộ Công rằng, dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”.

Hàng ngàn ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn nói thay số phận của những hùng binh Hoàng Sa. Đại Nam Thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821 (hoàn thành và khắc in năm 1844) có kể lại sự kiện tháng 7/1754 liên quan đến sinh mệnh của những Binh phu Hoàng Sa: “dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sai viết thư cám ơn” .

Nhiều câu chuyện và dấu tích lịch sử ngày càng dày thêm, càng trở thành chứng cứ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lê Văn Chương
(Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi)

MỚI - NÓNG