Nằm cách trung tâm xã Krông Nô (huyện Lắk) khoảng 16 km, hang đá Ba Tầng (thuộc buôn Trang Yốk, xã Krông Nô) là một danh thắng khá độc đáo, là điểm du lịch khám phá, trải nghiệm độc đáo cho du khách. Với 3 tầng đá chồng lên nhau để vào được trong hang, du khách phải vượt qua nhiều tảng đá lớn, trơn trượt, trong hang có dòng suối nhỏ chảy quanh năm, nước suối ở đây trong veo, mát rượi có thể uống ngay được.
Bên cạnh hang đá Ba Tầng, tại đây còn có thác Ba Tầng, bắt nguồn từ một con suối chảy từ Yốk Liêng Puh Pết đổ vào nên người dân bản địa gọi đây là thác ba tầng (Đak Pei Ntâng), dòng suối này chảy về Buôn Trang Yốk (cách hang đá Ba Tầng khoảng 3km) rồi hòa vào dòng sông Krông Nô.
Đường vào Hang đá Ba Tầng.
Hang đá Ba Tầng nằm ở trong núi Yốk Sâm thuộc rừng phòng hộ tiểu khu 1430, địa danh này được tìm thấy vào năm 1958 do đội du kích A1 H10 phát hiện, do địa hình hiểm trở bao quanh là rừng núi, nơi đây đã trở thành căn cứ cách mạng, nơi hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ lão thành như: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Huỳnh Văn Cần và một số đồng chí khác như: Lê Đức Thọ, Ama Oanh, Trần Lê... Đây cũng là điểm trú ẩn của nhân dân 7 buôn xung quanh hang đá khi Mỹ ném bom đánh vào căn cứ H10.
Ông Y Mang Ntur (64 tuổi, ở buôn Trang Yốk, xã Krông Nô) cho biết: Trong thời kỳ chiến tranh, biệt kích Mỹ từ trại An Lạc thường xuyên tổ chức đi càn quét vào vùng căn cứ hang đá Ba Tầng, chúng dùng cả máy bay ném bom vào khu vực này nhưng nhờ địa thế hiểm trở, hang đá lớn, rộng nên cán bộ cách mạng và người dân buôn làng gần như không chịu thiệt hại gì lớn. Hang đá Ba Tầng trở thành chỗ dựa vững chắc cho vùng căn cứ A1 - H10. Tại các tảng đá lớn trên hang là nơi các lãnh đạo cách mạng ngồi họp bàn công việc và còn là nơi để tổ chức kết nạp Đảng.
Trong đợt về thăm lại chiến trường xưa năm 2005, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tặng kinh phí để làm đường từ buôn Trang Yốk vào đến chân của hang đá Ba Tầng. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu không được duy tu bảo dưỡng nên tuyến đường này hiện đã xuống cấp dẫn đến việc vào điểm du lịch này rất khó khăn. Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk, địa danh này còn khá ít người biết đến, tuy nhiên một số đơn vị lữ hành đã đưa du khách đến đây, đa số các khách quốc tế.
Du khách khám phá vẻ đẹp bên trong Hang đá Ba Tầng.
Trong những năm gần đây, cùng với việc tích cực phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền xã Krông Nô đang rất trăn trở với việc xúc tiến phát triển du lịch, đặc biệt là điểm du lịch lịch sử hang đá Ba Tầng, qua đó không những góp phần tôn tạo, quảng bá hình ảnh của địa phương mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho đồng bào bản địa. Thời gian qua, do thiếu kinh phí nên việc quản lý khu vực này chưa được quan tâm, cơ sở hạ tầng vào khu danh thắng này đang xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho du khách tham quan. Bên cạnh việc phát triển du lịch, chính quyền địa phương cũng hi vọng đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền trống cách mạng cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Để quảng bá thêm các điểm du lịch mới trên địa bàn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng đã phối hợp với UBND huyện Lắk, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch trên địa bàn tổ chức khảo sát điểm du lịch này. Qua khảo sát, ngành chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu kết nối điểm du lịch này vào các tour du lịch đến huyện Lắk, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn như: Hồ Lắk, thác Bìm Bịp... để phát triển ngành du lịch trên địa bàn.
Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng với nhiều điểm đến hấp dẫn. Nhưng do nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả nên việc kêu gọi đầu tư còn khá nhỏ lẻ.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 16/3/2019, bên cạnh các hoạt động văn hóa, quảng bá còn có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó trọng tâm là Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Hi vọng sau hội nghị này, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch để góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.