Khai mạc không gian đi bộ mở rộng trong phố cổ Hà Nội từ tối 31/12

TPO - UBND quận Hoàn Kiếm được UBND thành phố Hà Nội cho phép khai mạc hoạt động “Mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm” vào 19h30 ngày 31/12/2020 tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 Hàng Bạc.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm về việc tổ chức hoạt động không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong dịp Tết Dương lịch 2021 và khai mạc “Mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm”.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở, ngành thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của UBND thành phố. Sở GTVT, Công an thành phố, Sở VH&TT, Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Sở QH&KT, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các sở, ngành thành phố, các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Khai mạc không gian đi bộ mở rộng trong phố cổ Hà Nội từ tối 31/12 ảnh 1

Phố Đinh Liệt trở thành phố đi bộ trong thời gian thí điểm dịp cuối tuần từ 25 - 27/12 vừa qua. Ảnh: Duy Phạm

Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản xin ý kiến UBND thành phố về việc cho phép tổ chức hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội được thực hiện sớm hơn 1 ngày, bắt đầu từ 19h30 ngày 31/12/2020 đến 24h ngày 3/1/2021.

UBND quận cũng xin ý kiến thành phố cho phép khai mạc hoạt động “Mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối với phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm” vào 19h30 ngày 31/12/2020 tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 Hàng Bạc.

Như đã thông tin, theo đề án, phạm vi mở rộng phố đi bộ trong phố cổ Hà Nội gồm các tuyến phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu – Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc. 

Thời gian hoạt động như tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể, hoạt động 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật. Mùa hè từ 19h đến 24h. Mùa đông từ 18h đến 24h).

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để tổ chức thực hiện việc mở rộng phố đi bộ, quận đã tổ chức phương án đảm bảo an toàn giao thông hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, không gây ùn tắc và xung đột giao thông trong những ngày, những múi giờ không gian đi bộ hoạt động.

Cụ thể, tổ chức cấm các phương tiện giao thông hoạt động trên 8 phố Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc; tổ chức các chốt trực để phân vùng giữa không gian đi bộ và đường giao thông.

Tại các nút giao thông với khu vực tuyến phố đi bộ sẽ bố trí đặt barie, biển báo cấm đường, biển chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện và biển báo tuyến phố đi bộ, đồng thời tại các điểm chốt sẽ bố trí lực lượng trực đảm bảo an toàn giao thông, hướng dẫn phương tiện không đi vào không gian đi bộ. Trong thời gian không gian đi bộ hoạt động người dân không để xe trên hè, dưới lòng đường.

Cụ thể phương án phân luồng giao thông:

- Hướng Bắc - Nam và ngược lại:

+ Tuyến 1: Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Hàng Gai - Hàng Bông (hoặc Hàng Quạt - Hàng Hòm) - Hàng Trống - Lê Thái Tổ - Bà Triệu hoặc Phủ Doãn - Triệu Quốc Đạt - Hai Bà Trưng;

+ Tuyến 2: Hàng Cót - Hàng Gà - Hàng Điếu - Đường Thành - Phủ Doãn - Triệu Quốc Đạt hoặc Hàng Da - Quán Sứ;

+ Tuyến 3: Quang Trung - Nhà Chung - Lý Quốc Sư - Hàng Mành - Hàng Nón - Hàng Điếu - Hàng Gà - Hàng Cót;

+ Tuyến 4: Hàng Bông - Phùng Hưng - Phan Đình Phùng;

+ Tuyến 5: Phan Đình Phùng - Lý Nam Đế - Trần Phú;

+ Tuyến 6: Trần Nhật Duật - Nguyễn Hữu Huân - Lý Thái Tổ;

+ Tuyến 7: Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư;

+ Tuyến 8: Tông Đản - Hàng Vôi - Hàng Tre - Hàng Muối - Trần Nhật Duật.

- Hướng Đông - Tây và ngược lại:

+ Tuyến 1: Phan Đình Phùng - Hàng Đậu - Trần Nhật Duật;

+ Tuyến 2: Hai Bà Trưng;

+ Tuyến 3: Lý Thường Kiệt;

+ Tuyến 4: Trần Hưng Đạo;

Về phương án bố trí các điểm giao thông tĩnh, UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Giao thông Vận tải cấp phép 156 điểm giao thông tĩnh (trong đó: 121 điểm đang được duy trì; 35 điểm bổ sung mới trên các tuyến phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre, Trần Quang Khải, Hàng Chiếu, Cao Thắng, Thanh Hà và khu vực ngoài địa bàn phường Chương Dương, Phúc Tân...), với diện tích 34.550m2 để đảm bảo nơi gửi phương tiện của nhân dân và du khách.

Cụ thể, theo phương án quản lý của quận Hoàn Kiếm, đối với người dân trong không gian đi bộ: được gửi xe miễn phí tại khu vực gầm cầu Chương Dương hoặc người dân được phép dắt xe vào và phải để trong nhà (quản lý bằng việc in thẻ phát cho người dân). Đối với du khách: tổ chức hướng dẫn gửi phương tiện tại các điểm trông giữ đã được bố trí sắp xếp.

MỚI - NÓNG