Hội nghị năm nay có chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” do Tập đoàn FECON phối hợp cùng Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trường Đại học Thủy Lợi, Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản và Viện Dầu Khí Việt Nam tổ chức.
Hội nghị được bảo trợ bởi Hiệp hội Cơ học đất và Kỹ thuật Địa kỹ thuật Quốc tế (ISSMGE) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đây là lần thứ 5 liên tiếp, Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật được tổ chức bởi các doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu về địa kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ngành địa kỹ thuật (với những môn khoa học cụ thể như Cơ học đất, Địa chất, Địa mạo, địa động học, Thủy văn, Môi trường, Cơ học kết cấu, Nền móng, Công trình ngầm & Không gian ngầm) có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phó Thủ tướng cho biết, con người đang sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng với những tai biến địa chất ngày càng gia tăng, đe dọa đến đời sống, sinh kế của người dân ở rất nhiều nơi trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành địa kỹ thuật đóng vai trò quan trọng để giải bài toán an toàn cho cuộc sống của chúng ta.
Theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON, Trưởng ban tổ chức, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn là tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình đảm bảo 3 tiêu chí an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 14-15/12 với sáu chuyên đề lớn gồm móng sâu; thi công hầm và không gian ngầm; cải tạo nền đất yếu; mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.
Với 6 chủ đề, GEOTEC HANOI 2023 đón nhận bài giảng chuyên sâu từ 6 giáo sư hàng đầu thế giới GS. Alessandro Mandolini (Đại học Campania, Ý), GS. Giulia M.B. Viggiani (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh), GS. Rainer Massarsch (Geo Risk & Vibration Scandinavia AB, Thụy Điển); GS. Antonio Gens (Đại học Kỹ thuật Catalonia, Tây Ban Nha), GS. Mitsu Okamura (Đại học Ehime, Phó chủ tịch Hiệp hội Địa kỹ thuật Nhật Bản), GS. Richard Jardine (Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh).
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự của hai diễn giả đặc biệt gồm TS Marc Ballouz - Chủ tịch Hiệp hội Cơ học đất và Kỹ thuật Địa kỹ thuật Quốc tế Mỹ và Giáo sư Keh-Jian Shou - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ học đất và Kỹ thuật Địa kỹ thuật Quốc tế, khu vực Châu Á.
Theo ông Phạm Việt Khoa, Ban tổ chức mong muốn, Hội nghị sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành Địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển, đồng thời tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học trong nuớc và quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới và tiếp tục phát triển.