Khách sạn, sân khấu 3.000 người trên sông Hoài: Hội An càng 'tắc'!

Hạng mục xây dựng cầu Gami Cẩm Nam. Ảnh: Gami.
Hạng mục xây dựng cầu Gami Cẩm Nam. Ảnh: Gami.
TP - Dự án Công viên văn hóa “Ấn tượng Hội An” trên cồn nổi giữa sông Hoài (phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Trong hàng loạt vấn đề, thì việc tỉnh Quảng Nam đồng ý cho dự án xây dựng trên cồn các hạng mục khách sạn, sân khấu quá lớn... đã dấy lên nhiều lo ngại.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) số 2777/QĐ-UBND ngày 2/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam, thì dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” do Công ty CP Gami Hội An làm chủ đầu tư. Tổng diện tích dự án là 88.891m2, bao trùm lên 2 cồn lớn (hơn 84.000m2) và cồn nhỏ (trên 2.500m2) cùng một số diện tích đất ven sông Hoài.

Cồn lớn (dân gian vẫn gọi là cồn Bắp) nằm giữa sông, vốn xưa nay xanh rợp màu xanh của cây bắp (ngô), một đặc sản nổi tiếng của Hội An. Từ bên phố cổ nhìn sang, khung cảnh trên sông thật êm đềm với những bóng thuyền nhỏ thấp thoáng. Nhưng nay dự án đã đổ nền xây kè bê tông nâng cao cồn, và đổ trụ xây cầu... Một trong những hạng mục đầu tiên đã hoàn thành, đó là phần sân khấu và khán đài.

Đáng kể nhất là 2 cụm sân khấu với tổng sức chứa 3.000 người đã và đang xây dựng. Còn khu lưu trú khách sạn chiếm trên 3.200m2, khu phố thương mại gần 10.000 m2..., theo thông tin mà đại diện Công ty CP Gami vừa cung cấp cho PV Tiền Phong, các hạng mục này thuộc giai đoạn 3 (phần còn lại) của dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2019.

Quá tải!         

Xây khách sạn, khu lưu trú ngay trên cồn giữa sông Hoài càng khiến Hội An thêm quá tải. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Bởi áp lực dân cư, du khách cũng như việc đi lại, giao thông với Hội An hiện đã rất lớn. Đó là vấn nạn mà hiện thành phố đang tìm cách tháo gỡ. Nay xây thêm khách sạn, cơ sở lưu trú ngay trên sông, thì việc đưa đón thế nào, dân cư đi lại ra sao? Cây cầu Cẩm Nam nối phố cổ với bờ bên Cẩm Nam vốn đã nhỏ, nay càng quá tải. Nghe nói dự án xây dựng đến mấy cây cầu “chụm” hết vào một cái cồn giữa sông này. Chắc chắn việc xây cầu sẽ khiến ách tắc dòng chảy của sông Hoài. Bài học từ việc xây cầu Cửa Đại ở cuối sông Thu Bồn trước đó các nhà khoa học đã chỉ ra, đó là làm chệch dòng chảy, xáo trộn lượng bùn cát khiến bãi biển Cửa Đại bị xói lở, hiện chưa thể khắc phục.

Còn ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An lại tỏ ra lo lắng với hai sân khấu sức chứa tới 3.000 người. Đó là điều còn đáng lo hơn số lượng khách lưu trú trên cồn.

Ảnh hưởng văn hóa, phong thủy 

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Hội An và Quảng Nam nổi bật với đặc trưng văn hóa cồn bàu. Hội An hiện có hàng chục cồn bàu, bờ bãi dọc theo Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà … Không gian văn hóa Hội An vốn không chỉ hài hòa với sông nước, cồn bàu, bờ bãi, ruộng đồng, rừng dừa nước…, mà còn rất có ý nghĩa về mặt phong thủy. Nay dự án mở rộng, tôn cao cồn Bắp chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây sụt lở mạnh hai bên bờ.

Đồng nhận định trên, ông Phùng Tấn Đông, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An, người nhiều năm nghiên cứu về Di sản văn hóa Hội An cho rằng dự án trên cồn bắp Cẩm Nam đã xâm hại về cảnh quan tự nhiên hết sức đẹp đẽ của Hội An - với nhánh sông Hoài và cảnh quan lịch sử của khu phố cổ. Tính chất địa-văn hóa của Hội An - nói như GS Trần Quốc Vượng là “văn hóa cồn bàu vùng cửa sông-ven biển”. Chưa kể cồn Bắp này chỉ cách đường Phan Bội Châu (khu vực I, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt không quá 200m). Chưa kể dự án đã xâm hại đến giá trị nguyên vẹn của  khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận. Mà vùng cồn bàu cửa sông Thu Bồn, trong đó có cồn Bắp nằm trong khu vực bảo tồn.

Ông Nguyễn Sự, nhận định, với những gì đang diễn ra, dự án không chỉ dẫn đến nguy cơ xói lở hai bên bờ sông, mà còn gây ô nhiễm tiếng ồn. Bởi âm thanh và ánh sáng quá lớn từ khu vực sân khấu ảnh hưởng trực tiếp đến cư dân hai bên bờ sông vốn rất gần. Sân khấu lại xây quá cao, tới 16,5m. Đặc biệt việc tôn tạo đưa cao trình kè lên 1,5m so với mặt bằng cũ là rất đáng lo. Dòng chảy và lòng sông thay đổi sẽ chỉ còn cách “đánh” thẳng vào hai bên bờ.

Được biết, năm 2013, sau 9 năm dự án “đứng bánh”, UBND TP Hội An đã đề nghị tỉnh cho phép chuyển nơi này thành công viên cây xanh công cộng, góp phần tôn tạo cảnh quan sinh thái vùng lân cận phố cổ theo quy hoạch chung của Hội An. Tuy nhiên, ngay sau đó dự án được chuyển giao cho Công ty CP Gami... 

Khoảng 20 năm trước, có một nhà hàng mấy tầng được phép xây dựng bên bờ sông Hoài. Báo Tiền Phong lập tức lên tiếng với bài viết “Có một hàm cá mập bên sông Hoài”. Từ bài báo của Tiền Phong, ông Nguyễn Sự, lúc đó là Chủ tịch thị xã Hội An đã lập tức sửa sai bằng cách yêu cầu đập bỏ công trình đang xây dựng dở, và đền bù cho doanh nghiệp 175 triệu đồng, số tiền khá lớn lúc đó. “Bãi đất ven sông lúc ấy rất bẩn, mình cứ tưởng làm thế là để cho sạch sẽ, phong quang. Nhưng thật ra lúc đó mình “dốt”. Nhờ báo Tiền Phong chỉ ra, mình đã sửa sai ngay và được dân đồng tình” – ông Nguyễn Sự sau này thẳng thắn tâm sự tại cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây.

MỚI - NÓNG