Khách quốc tế sẽ tăng mạnh vào 2023

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so với trước dịch (năm 2019), ông Bùi Minh Đăng, Phó Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) dự báo về thị trường hàng không quốc tế tại Hội thảo “Hợp tác Hàng không – Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” diễn ra tại Đà Nẵng chiều 27/12.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy nhìn nhận dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Năm 2022, các quốc gia vẫn áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nên du lịch quốc tế bị hạn chế. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh. Các thị trường du lịch lớn của nước ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan mới nới lỏng các biện pháp vào thời điểm gần cuối năm nên cần thời gian để kích hoạt và phục hồi.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc, thị trường rất lớn của các hãng hàng không hai nước vẫn bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Năm 2019, có 14 hãng hàng không hai nước khai thác tới hơn 70 đường bay từ 5 điểm Việt Nam đến 48 điểm ở Trung Quốc, với tần suất hơn 600 chuyến bay/tuần, vận chuyển 7,6 triệu khách.

Ngoài ra, thị trường Nga cũng bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại. Năm 2019, có 8 hãng hàng không Nga và Vietnam Airlines khai thác thị trường này, vận chuyển hơn 1,6 triệu khách, chủ yếu là khách du lịch.

Khách quốc tế sẽ tăng mạnh vào 2023 ảnh 1

Ngày 25/12, hãng hàng không giá rẻ Tigerair Taiwan đã khai thác đường bay từ Đài Loan đến Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Hiện tại, các hãng hàng không đang nỗ lực khai thác thị trường Trung Quốc với tần suất 16 chuyến bay/tuần. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách của thị trường Trung Quốc và Nga, Cục HKVN khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác các thị trường mới như Ấn Độ, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan.

Đến nay, thị trường hàng không quốc tế đã có hơn 60 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc.

“Số lượng quốc gia có hoạt động khai thác hành khách đi đến Việt Nam đã dần hồi phục hoàn toàn so với thời điểm trước dịch, chỉ còn thị trường Nga bị đóng băng và Trung Quốc đang bị hạn chế về tần suất. Dự báo năm 2023, vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019”, ông Bùi Minh Đăng nói.

Để phục hồi và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, ông Đăng đề xuất Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng như tăng thời hạn lưu trú, mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…

Cần tiếp tục gỡ rào cản

Ông Dương Quang Bình, Giám đốc Công ty Vietravel nêu thực tế nước ta còn nhiều rào cản với du khách quốc tế. “Như Thái Lan, họ miễn thị thực cho công dân của 65 quốc gia, thời gian miễn từ 30-45 ngày, trong một số trường hợp kéo dài đến 90 ngày. Còn chính sách visa của Việt Nam vẫn chưa thật sự mở, yêu cầu khách phải đi theo đoàn trong khi xu hướng sau dịch là khách đi cá nhân, gia đình hoặc nhóm nhỏ, đối với các nước được miễn visa chỉ được miễn visa trong 15 ngày. Không chỉ vậy, nhiều nước có cơ quan xúc tiến du lịch tại nước ngoài, còn chúng ta vẫn chưa có…”, ông dẫn chứng.

MỚI - NÓNG