Khắc phục, không chỉ là chuyện của mỗi trường

Khắc phục, không chỉ là chuyện của mỗi trường
TP - Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc coi nhẹ công tác chủ nhiệm là một biểu hiện của sự thiếu chú ý tới giáo dục nhân cách cho học trò và khắc phục vấn đề này không chỉ là chuyện của riêng trường nào.

Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) được mở ra từ năm 1989, là cái phao cho những phụ huynh có con em bị các trường khác từ chối.

Năm học 2009 - 2010, trường có 91 trường hợp chuyển đến từ trường khác (học sinh toàn trường có hơn 1.000 em). Theo các giáo viên của trường thì nhiều em ngỗ ngược ngang mức “rạch giời rơi xuống”.

Tuy vậy, khi tiếp nhận bất kỳ học sinh chuyển trường nào, giáo viên chủ nhiệm của trường cũng đều có phương châm xử lý: bỏ qua quá khứ để làm lại từ đầu.

Khắc phục, không chỉ là chuyện của mỗi trường ảnh 1Lâu nay mình chỉ quan tâm, khen thưởng giáo viên giỏi về chuyên môn, có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi mà ít quan tâm tới đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, những người có đóng góp trong việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Điều này Bộ sẽ có những điều chỉnh trong công tác chỉ đạoKhắc phục, không chỉ là chuyện của mỗi trường ảnh 2  - Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Môi trường đặc biệt như vậy nên giáo dục đức dục là một hoạt động sống còn của nhà trường. Nếu như giáo viên chủ nhiệm các trường công lập chỉ có 4 tiết chủ nhiệm/tuần thì giáo viên chủ nhiệm trường Đinh Tiên Hoàng phải có mặt tại trường trong tất cả tiết có học sinh lớp mình học.

“Không có chuyện cuối tuần giáo viên chủ nhiệm mới thống kê lại em nào đi muộn, em nào nghỉ học không phép. Học sinh nghỉ học không phép tiết nào là giáo viên chủ nhiệm phải biết và lập tức liên lạc với phụ huynh học sinh.

Có trường hợp phụ huynh hợp tác tốt thì họ đi tìm con mình rồi áp tải các em đến trường kịp học những tiết sau”, cô giáo Nguyễn Tố Tâm, chủ nhiệm lớp 12C1 kể.

Trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm không chỉ thể hiện trong việc quản lý hành chính sát sao với học sinh mà còn ở những trăn trở tìm tòi giải pháp giúp đỡ học sinh tu dưỡng đạo đức.

Theo cô giáo Hoàng Liên Minh, thấu hiểu gia đình học sinh là yếu tố thành công trong giáo dục. Đến thăm nhà học sinh đã trở thành nếp trong nghề nghiệp của cô.

Một lần đến nhà học sinh H., cô Minh chứng kiến cảnh đánh bạc giữa nhà em mà bố em là một trong những nhân vật chính. “Thảo nào mà em ấy rất hay nói tiếng lóng, văng tục bạt mạng, hút thuốc, thậm chí đã có vài lần dùng tiền học để chơi lô, đề, điện tử...

Biết không thể trông chờ vào giáo dục của gia đình, tôi dùng phương pháp mưa dầm thấm lâu, phân tích để em hiểu do bố mẹ em không học hành, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bế tắc nên buông thả; em cần phải vươn lên để thay đổi tương lai”, cô Minh chia sẻ.

Sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm với giáo dục đạo đức cho học sinh của giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng không phải chỉ là câu chuyện của một vài thầy cô.

“Ở các trường công lập giáo viên ngại làm chủ nhiệm. Nhưng ở trường Đinh Tiên Hoàng, được làm giáo viên chủ nhiệm là một vinh dự bởi trách nhiệm này chỉ được giao cho những thầy cô chứng tỏ được sự tận tâm và năng lực sư phạm”, thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tốt không khen, xấu không chê

Theo nhiều giáo viên, một trong những lý do khiến công tác chủ nhiệm ở các trường công lập không được xem trọng vì sự đánh giá chưa đúng mức đối với vai trò của giáo viên chủ nhiệm.

“Trường công lập nào đầu vào cao thì học sinh nhìn chung khá ngoan, gia đình rất quan tâm tới con cái, giáo viên chủ nhiệm không cần nỗ lực nhiều thì lớp vẫn tốt.

Lớp nào mà xảy ra chuyện đánh nhau hoặc học sinh vi phạm pháp luật thì chẳng ai chê trách giáo viên chủ nhiệm, chỉ xem như họ... không may. Với những trường đầu vào thấp thì thường nhiều học sinh đua đòi, chơi bời lêu lổng hơn.

Nhưng ở những trường đó, nếu học sinh vi phạm đạo đức thì được xem là ảnh hưởng tất yếu của xã hội, do đó cũng chẳng ai quy trách nhiệm là giáo viên chủ nhiệm thiếu quan tâm”, một giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều tâm sự.

Nhiều giáo viên vừa dạy ở trường công lập, vừa dạy ở dân lập cho biết, quả là có sự khác nhau về công tác chủ nhiệm giữa trường công và trường dân lập/tư thục.

Theo họ, các trường ngoài công lập đều trả lương rất cao cho giáo viên chủ nhiệm. Ở trường công lập chủ nhiệm chỉ có 4 tiết/ tuần. Lương của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn về cơ bản không khác nhau. Còn các trường ngoài công lập đều trả riêng tiền chủ nhiệm.

Ví dụ như trường Đinh Tiên Hoàng tiền chủ nhiệm từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm khi thực hiện các giáo dục hoạt động ngoài giờ đều được hưởng tiền thừa tiết.

Sự coi trọng công tác chủ nhiệm còn thể hiện ở các hoạt động phong trào cũng như thái độ tôn vinh của ngành giáo dục. Gần đây một số nơi có tổ chức cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi và việc khen thưởng giáo viên chủ nhiệm căn cứ qua hoạt động này.

Trong khi đó giáo viên bộ môn được tôn vinh không chỉ qua cuộc thi giáo viên giỏi mà còn được các cấp khen thưởng khi họ có học sinh đoạt giải này giải khác.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu như chưa có phần thưởng nào dành cho những hoạt động giáo dục tận tuỵ nhưng âm thầm của giáo viên chủ nhiệm. Tại các trường học cũng có bình xét lớp tốt hằng năm. Song theo các giáo viên thì việc đánh giá giáo viên chủ nhiệm tốt gắn với lớp tốt chưa hẳn là khoa học trong sư phạm.

Theo họ, giáo dục một học sinh từ hư trở thành ngoan khó gấp bội lần giáo dục một học sinh vốn dĩ ngoan vẫn ngoan, mà các lớp tốt thường là lớp của những học sinh vốn dĩ ngoan.

MỚI - NÓNG