> 5 triệu Galaxy Note 3 bán trong tháng đầu
Điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Ba phần tư dân số thế giới hiện đang sở hữu điện thoại di động và mỗi nền văn hóa khác nhau có từ riêng biệt để gọi tên và cách thức riêng để sử dụng thiết bị này.
Ở Anh, điện thoại di động được gọi là mobile, ở Mỹ gọi là cell phone, ở Baawngladesh gọi là muthophone và ở Isarel gọi là pelephone.
Ở Nhât Bản, những hành khách trên tàu hỏa sẽ nhận được những thông báo yêu cầu họ để điện thoại chế độ yên lặng hoặc rung. Việc sử dụng điện thoại ở nơi công cộng không phải là hành vi được tán đồng ở nơi mà nhu cầu của tập thể đặt trên nhu cầu cá nhân.
Satomi Sugiyama – phó giáo sư trường Đại học Franklin Thụy Sĩ cho biết: “Văn hóa Nhật Bản đánh giá cao sự hòa hảo giữa các cá nhân trong xã hội và mọi hành vi có thể gây ra xáo trộn xã hội sẽ bị xử phạt nặng nề”.
Tương tự như tàu hỏa, nếu ai đó lên xe buýt trong khi vẫn đang nói chuyện trên điện thoại, tài xế sẽ không để họ lên xe. Mizuko Ito – nhà nhân chủng học giải thích: “Ở Nhật Bản, bạn không nên sử dụng điện thoại di động ở nơi công cộng vì nó sẽ gây ra phiền toái cho người khác.
Điều đó có nghĩa người Nhật Bản sẽ hạn chế tối đa cuộc gọi khi đang ở trong quán cà phê hay nhà hàng. Nếu chuông điện thoại của ai đó vô ý reo lên, họ sẽ bối rối, im lặng rồi kết thúc cuộc gọi rất nhanh chóng”. Nhắn tin, viết email trên điện thoại, chơi game và đọc tiểu thuyết trên điện thoại phổ biến hơn là cuộc gọi thoại ở Nhật Bản.
Trong khi đó, ở Tây Ban Nha và Ý, điện điện thoại di động được sử dụng ở khắp mọi nơi và họ không ngại bàn bạc những vấn đề mang tính chất cá nhân nơi công cộng. Thậm chí, một công ty đường sắt của chính phủ ở Tây Ban Nha còn dán tấm áp phích với hình ảnh những người đang trò chuyện qua điện thoại ở trên tàu.
Cũng giống như người Tây Ban Nha, người Ý vui vẻ trả lời các cuộc gọi trong nhà hàng, trong các cuộc họp làm ăn, hội nghị và đôi khi trong các buổi hòa nhạc. Việc nhắn tin dưới gầm bàn một cách kín đáo trong các cuộc họp là chuyện thường tình. Người Tây Ban Nha thoải mái nói về cuộc sống riêng tư của họ trên đường phố và điện thoại di động chỉ là hình thức tiến hóa của nếp sống này. Đôi khi, người Tây Ban Nha rời khỏi rạp chiếu phim chỉ để kiểm tra những vấn đề họ đang nói trên điện thoại có thực sự đang xảy ra hay không. Lý giải cho hành vi này là quan niệm của người Tây Ban Nha cho rằng họ có trách nhiệm hồi đáp thông tin từ bạn thân, đông nghiệp, khách hàng bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, chính người Phần Lan chứ không phải người Tây Ban Nha là những người nói chuyện trên điện thoại di động nhiều nhất. Trung bình mỗi tháng, một người dân Phần Lan dành tới 257 phút nói chuyện trên điện thoại theo một cuộc khảo sát toàn châu Âu năm 2011. Theo sau quê hương của hãng Nokia là Áo với 240 phút sử dụng mỗi tháng.
Theo Jonathan Donner – một nhà nghiên cứu của Microsoft ở Ấn Độ, một vùng của quốc gia này và châu Phi, tồn tại văn hóa gọi điện thoại gọi là “nháy” và “bíp”. Ông cho biết: “Nguyên tắc của “bíp” rất đơn giản: Một người nào đó gọi vào một số điện thoại di động và gác máy trước khi chủ số máy kia nhấc máy trả lời và chủ số máy kia sẽ gọi lại cho họ”. Tín hiệu “bíp” ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: “Hãy đến đón tôi”, “Xin chào”, “Tôi đang nghĩ về bạn”, Hãy gọi lại cho tôi”.
Blogger Shashank Begali viết: “"Có những quy tắc bất thành văn cho văn hóa “nháy”. Ví dụ như, khi thợ máy muốn thông báo xe của bạn đã sửa xong, ông ta sẽ nháy vào máy bạn và vì đó là xe của bạn, bạn thực sự muốn lấy xe về, hiển nhiên là bạn phải gọi lại cho ông ta.
Việc nháy máy này cũng có thứ bậc. Việc một nhân viên nháy máy cho cấp cao của mình (người có thu nhập cao hơn) là điều hợp lý trừ khi anh ta có một thỉnh cầu khẩn cấp. Ngược lại, nếu bạn đang tán tỉnh một cô gái, đừng bao giờ nháy máy cho cô ấy. Hãy nhấc máy lên và gọi.
Tại Ấn Độ, bạn được phép nhận cuộc gọi trong rạp chiếu phim. Một điều thú vị khác là khi gọi vào số di động của một ai đó, bạn sẽ được nghe bài hát Bollywood thay vì nhạc chuông điện thoại và các chủ thuê bao phải trả tiền hàng tháng cho dịch vụ này.
Lý giải cho việc sử dụng điện thoại tại nơi công cộng như rạp phim là do xã hội Ấn Độ có truyền thống lâu đời đề cao sự khoan dung. Chính vì thế những lỗi mà xã hội phương Tây không chấp nhận, xã hội Ấn Độ vẫn chấp nhận. Không gian cá nhân và nhu cầu cá nhân được tôn trọng. Cá nhân trong xã hội kết nối chặt chẽ hơn, do đó việc liên lạc đóng vai trò quan trọng.
Trong khi đó, tại Mỹ, 72% người Mỹ coi việc nói chuyện ồn ào nơi công cộng là những thói quen xấu nhất. Siri-một robot trợ lý trên iPhone bỗng nhiên trở thành người bất lịch sự nhất nước Mỹ khi giọng nói này vang lên ở mọi nơi.
Người Mỹ ưa gọi điện hơn là nhắn tin vì mạng ở đây thường tắc ngẽn vào đầu ngày dẫn đến việc liên lạc bằng hình thức này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, điện thoại nay cũng dần bị thay thế bởi máy tính bảng bởi màn hình lớn hơn cùng nhiều tiện ích khác.
Phương Thảo
Theo CNN