Kết thúc vòng bảng EURO 2020: Ấn tượng Ý, Đức thoái trào, Anh tiếp tục là 'mèo ngoan'?

0:00 / 0:00
0:00
Ý là tập thể chơi bóng quyến rũ nhất vòng bảng EURO 2020
Ý là tập thể chơi bóng quyến rũ nhất vòng bảng EURO 2020
TP - Cho dù một vài bất ngờ đã tạo nên cảm xúc cho người hâm mộ, nhưng cơ bản, vòng đấu bảng của VCK EURO 2020 khép lại với những kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Có chăng, điều khiến người ta khó hình dung chỉ là những màn trình diễn trồi sụt của nhiều tên tuổi từng được cho là ứng cử viên…

Vẻ đẹp Thiên thanh

Roberto Mancini đang tạo ra một tuyển Ý đầy sức sống từ đáy của sự thất vọng. Nhà cầm quân từng là tiền đạo lừng danh đã thổi vào lối chơi của đoàn quân Thiên thanh đầy đủ khát khao, cơ bắp và cả thi ca. Cả ba trận, tuyển Ý chơi tấn công mạnh mẽ và đẹp mắt. Các vị trí của họ, dù chính thức hay dự bị, dù đá trước hay vào sân thế chỗ, đều phát huy được tinh thần tập thể và sự gắn kết đến khó tin.

Đêm 20/6, tuyển Ý đánh bại Xứ Wales 1-0, để viết nên kỳ tích chưa từng xảy ra ở EURO: Đội toàn thắng ở vòng bảng và không để lọt lưới lần nào! Ngày hôm sau, tờ Corriere dello Sport giật dòng tít: “Đây là tuyển Ý đáng xem nhất trong hai thập kỷ gần nhất”. Còn bình luận của Tutto thì trọng tâm hơn: “Mancini đã mang nghệ thuật tấn công của Ý đến EURO”. Phần lớn, những người yêu mến màu áo Thiên thanh đều tự hào và “mãn nhãn” với màn trình diễn của tuyển Ý.

Trong một thống kê khác, Roberto Mancini còn tạo ra một kỷ lục đầy tự hào cho tuyển Ý: 30 trận bất bại liên tiếp và hơn 1.000 phút trắng lưới (gần 12 trận). Cột mốc này tồn tại từ những năm 30 thế kỷ trước (chính xác là 82 năm), từ khi cố HLV Vittorio Pozzo dẫn dắt tuyển Ý đánh đâu thắng đó giai đoạn 1935-1939.

Cùng đoạt thành tích toàn thắng ở vòng bảng như tuyển Ý là Hà Lan. Cơn lốc da cam cũng tạo ra những thống kê ấn tượng và lối chơi vũ bão. Nhưng so với sự đồng đều, bùng nổ đầy khát khao của tuyển Ý, Hà Lan của Frank De Boer vẫn khiến người hâm mộ (NHM) chưa thỏa mãn hoàn toàn, khi những ngôi sao mà họ kỳ vọng như Memphis Depay, Marteen de Roon, Matthijs de Ligt, thậm chí cả tiền vệ quan trọng Frankie De Jong cũng không phải lúc nào cũng chơi tốt. Nó khác hẳn hàng chục cái tên cùng nhau thi đấu nổi bật của tuyển Ý như Donnaruma, Chiellini, Bonucci, Spinazzola, Federico Chiesa, Verratti, Jorginho, Locatelli, Insigne, Immobile, Barrella, Berardi hay Belotti, bất chấp họ đá trước hay vào sân từ ghế dự bị.

Một đội quân trẻ, tươi mới, hừng hực khí thế mang đầy khát vọng chinh phục được Roberto Mancini giới thiệu ở EURO lần này. Vả chăng, người Ý nên được xem là một trong những ứng cử viên đích thực cho chiếc Cúp vàng ở giải đấu lần này?

Duyên nợ Anh – Đức

“Cỗ xe tăng” giành vé đi tiếp trong sự nuối tiếc của phần đông NHM dành cho tinh thần quả cảm của Hungary. Người ta bảo, tuyển Đức đến với EURO lần này y như tâm thế… sắp rời đi của nhà cầm quân Joachim Loew.

Thực tế, tuyển Đức không phải không còn những gương mặt sáng giá trong đội hình. Nhưng cách vận hành của họ không còn là tuyển Đức hùng mạnh như người ta thường thấy trong khoảng một thập kỷ trước nữa. Lối chơi ngày càng đơn điệu, cách sử dụng nhân sự dập khuôn và thiếu tính hợp lý của HLV Joachim Loew khiến tuyển Đức chỉ có thể trông chờ vào những khoảnh khắc cá nhân, chứ không thể kỳ vọng vào sức mạnh tập thể như đã từng.

Kết thúc vòng bảng EURO 2020: Ấn tượng Ý, Đức thoái trào, Anh tiếp tục là 'mèo ngoan'? ảnh 1

Đồ họa: Kiều Tú

Ba trận vòng bảng thì có đến hai trận Đức không phải là Đức. Trận đầu tiên, các ngôi sao tên tuổi như Toni Kroos, Ruediger, Kimmich, Mueller, Gnarby, Havertz chìm nghỉm trong những bước xử lý như đi dạo của người Pháp. Trong số này, Paul Pogba, Griezmann, Mbappe còn thi nhau “diễn xiếc” trước sự bất lực của tuyển Đức. Đội bóng của HLV Deschamp đã ghi đến 3 bàn vào lưới thủ thành Neuer, toàn bàn thắng đẹp. Chỉ có may mắn và sự đồng lõa đến khắc nghiệt của VAR, tuyển Đức mới phải chịu thất bại tối thiểu.

Tuyển Đức chỉ có 90 phút bùng nổ với sự xuất sắc của “cánh chim lạ” Robin Gosens trong trận gặp Bồ Đào Nha. Còn rạng sáng 24/6, khi những cơn mưa ở Munich trở thành người bạn đắc lực, đội bóng của HLV Joachim Loew mới sống sót trước sự quả cảm của Hungary. Nếu như trận đấu này diễn ra ở Budapest, người chia tay EURO ngay từ vòng bảng nhiều khả năng là Đức chứ không phải thầy trò HLV Marco Rossi.

Nhưng nói đi nói lại, NHM tin vào tuyển Đức vẫn… hợp lý hơn tin vào tuyển Anh. Đội quân của HLV Gareth Southgate mang đến EURO đầy đủ quân sỹ tinh nhuệ. Thậm chí, lực lượng của Tam sư còn được đánh giá là “khủng hoảng thừa” do sở hữu quá nhiều tài năng trong đội hình.

Tuy nhiên, nhìn những màn trình diễn của tuyển Anh, người ta có cảm giác HLV Southgate mới chỉ phần nào làm được nhiệm vụ sắp xếp nhân sự mà thôi. Còn việc xây dựng hệ thống, thổi hồn, giúp lối chơi đó đẹp mắt và hiệu quả thì… chưa có gì. Tất cả đều rất manh mún và phần nhiều, trông cậy vào phong độ nội tại của các cá nhân.

Bao năm qua, NHM xứ sở sương mù nói riêng, những người quan tâm yêu mến tuyển Anh nói chung đều mong muốn nhìn thấy một hình ảnh hoành tráng như biểu tượng “Tam sư” của chính họ. Nhưng hết lần này đến lần khác, tất cả đều hy vọng thật nhiều, và thất vọng cũng thật lớn. Tuyển Anh vẫn là một đội bóng đầy sức hút, nhiều tên tuổi nhưng khi vào trận lại chẳng khác gì những… chú mèo!

Số phận rui rủi một lần nữa đưa thầy trò HLV Southgate đến với tuyển Đức - một trong những đối thủ “khắc tinh” của tuyển Anh nhiều năm qua. Nỗi đau thua trên chấm penalty mà chính Gareth Southgate là tội đồ đá hỏng ở EURO 1996 chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh của tuyển Anh khi hai đội gặp nhau.

Hy vọng là trong thời kỳ tuyển Đức đang ở giai đoạn thoái trào này, Tam sư sẽ đủ tự tin để cất tiếng gầm thuyết phục. Nếu không vùng lên ở thời điểm này, họ sẽ chẳng có cơ hội nào tốt hơn để vượt qua “cường địch” từng khiến mình nhiều lần rơi nước mắt!

MỚI - NÓNG