Kết quả xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao mắc COVID 19 tại Hà Nội, Lâm Đồng

Kích hoạt lại Khu cách ly Bệnh viện II Lâm Đồng
Kích hoạt lại Khu cách ly Bệnh viện II Lâm Đồng
TPO - Kết quả xét nghiệm 11 trường hợp nguy cơ cao (từ TP.Đà Nẵng về TP. Đà Lạt và 3 huyện thành khác của tỉnh Lâm Đồng) đều âm tính với SARS-CoV-2.

Sáng 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết đã cử người đến 4 huyện, thành của tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Đơn Dương) lấy mẫu xét nghiệm đối với 11 trường hợp nguy cơ cao: từ ngày 1-23/7, từng vào những khu vực mà Bộ Y tế khuyến cáo như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng…

Kết quả xét nghiệm cho thấy 11 trường hợp nói trên đều âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp này đang được cách ly để tiếp tục theo dõi.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

2 điểm cách ly tập trung của tỉnh Lâm Đồng là Bệnh xá H32 và Trung đoàn 994 thuộc Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã được kích hoạt trở lại, sẵn sàng đón các trường hợp đến cách ly.

Kết quả xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao mắc COVID 19 tại Hà Nội, Lâm Đồng ảnh 1 Trung đoàn 994 sẵn sàng đón người đến cách ly tạp trung.

Ngành y tế Lâm Đồng tăng cường phòng bệnh, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh; bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế cung ứng đầy đủ cho công tác phòng chống dịch; phân công trực 24/24 giờ.

Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng tiến hành rà soát điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại hàng chục khu cách ly tập trung do ngành quản lý, đảm bảo điều kiện tối thiểu sẵn sàng phục vụ cách ly tập trung khi có yêu cầu.

UBND tỉnh cũng đề nghị người dân kịp thời phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho cơ quan y tế để thực hiện các biện pháp sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, chẩn đoán theo quy định. (Kim Anh)

Nghệ An: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 những người từ Đà Nẵng về

Ngày 30/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã lấy mẫu xét nghiệm 162 người, kết quả lần một đều âm tính với SARS-CoV-2.

Các trường hợp trên là F1 của BN 435. Những người còn lại là các bệnh nhân có các triệu chứng dịch tễ như đau ngực, khó thở... mà đã từng điều trị ở các bệnh viện tại Đà Nẵng, sau đó chuyển về tiếp tục điều trị ở các cơ sở y tế tại Nghệ An.

Hiện, Nghệ An có hơn 7.000 người trở về từ Đà Nẵng và Quảng Ngãi trong vòng 14 ngày qua. Những người này được khuyến cáo tự cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng bất thường, cán bộ y tế sẽ lập tức đến lấy mẫu xét nghiệm đồng thời đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, Bệnh nhân 435 (29 tuổi), tạm trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có quê ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu. Bệnh nhân này là điều dưỡng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngày 19/7, nữ điều dưỡng này đưa bạn trai từ Đà Nẵng về quê ở xã An Hòa để ra mắt. Tại đây, gia đình có tổ chức một buổi tiệc. Theo lời kể của gia đình, trong 2 ngày ở quê, bệnh nhân có đi chợ và một số địa điểm, tuy nhiên, mỗi lần ra đường, cô này đều đeo khẩu trang. Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. (Cảnh Huệ)

Hà Nội: 6/87 người về từ Đà Nẵng có biểu hiện ho, sốt âm tính với SARS -CoV-2

Trước tình hình Hà Nội đã xuất hiện ca nhiễm COVID-19 có liên quan đến thành phố Đà Nẵng,  Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội không được chủ quan, lơ là, không được mất cảnh giác cũng như không quá hoang mang, lo lắng. Hiện nay, với số người từ Đà Nẵng về Hà Nội là hơn 21 nghìn người nhưng có 87 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở, có 6/87 âm tính. UBND TP Hà Nội xác định đây  nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nên cần khởi động lại tất cả hoạt động của các Ban chỉ đạo (BCĐ) từ cấp tổ dân phố đến thôn, xóm, bản, phường, xã/quận, huyện, sở ban ngành. Phải bảo đảm trực 24/24/7 để sẵn sàng khả năng ứng phó với thông tin dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ lấy mẫu tất cả những trường hợp đến từ các tỉnh miền Trung nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam. Trước mắt,  test nhanh hơn 21 nghìn trường hợp về từ Đà Nẵng từ hôm nay đến thứ 7, trường hợp nào dương tính xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR. Liên quan đến tất cả F1 phải lấy mẫu xét nghiệm cách ly ngay lập tức, lấy trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ cao làm nơi cách ly và khởi động lại Ban quản lý này, toàn bộ chế độ ăn uống phục vụ như giai đoạn trước. Các trường hợp F2 cách ly tại nhà, có biểu hiện ho khó thở thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.  Các trường hợp sốt, ho khó thở đều phải xét nghiệm; trường hợp ho sốt đến nhà thuốc mua thuốc phải thông báo cho cơ quan chức năng để bám sát tình hình, phổ biến cho người dân. Các đơn vị, cơ quan phải có nước sát khuẩn; người dân tham gia giao thông phải đeo khẩu trang.  Các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán bar… trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND TP đề nghị tạm dừng hoạt động theo đúng kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 tại thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7. (Quảng An)

Học sinh tạm nghỉ học sau khi Đắk Lắk có người mắc COVID-19

Trưa 30/7, bà Mai Thị Hồng Hà-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, vừa ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trực thuộc thực hiện vệ sinh trường lớp theo các hướng dẫn của ngành Y tế; Tạm dừng các hoạt động bồi dưỡng học sinh trong hè tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trông giữ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời triển khai các biện pháp vệ sinh trường lớp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho đến khi có hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Trước khi có công văn trên, sáng nay (30/7) rất nhiều phụ huynh mầm non đã cho con nghỉ học. Hiệu trưởng 1 trường tư thục thuộc phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, toàn trường có hơn 500 trẻ nhưng sáng nay chỉ có khoảng 30 trẻ đi học.

Trước đó, ngày 29/7, Đắk Lắk ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 tên N.T.Y.N (21 tuổi, trú thôn 2, xã Ea Tiêu, Cư Kuin), là sinh viên từ Đà Nẵng về. Ngay tối 29/7, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, chính quyền yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người...; Không tụ tập quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết; Dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên; Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: khu vui chơi, giải trí... (Huỳnh Thủy)

Gia Lai và Kon Tum cách ly hàng nghìn người về từ Đà Nẵng

Ngày 30/7, thông tin từ Sở Y tế Gia Lai cho biết đã thực hiện cách ly y tế đối với 4 người cu trú tại địa phương này vì đi cùng chuyến xe có nữ sinh mắc COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk.

4 trường hợp gồm, T.T.T.T. (SN 1998), T.T.T.P. (1997), T.V.T. (SN 1984), L.T.T.P. (SN 1998) cùng trú xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai. Ngoài ra, 21 người tiếp xúc gần 4 người vừa đề cập trên được ngành y tế Gia Lai yêu cầu tự cách ly tại nhà. Trước đó, trong ngày 26/7, một xe khách của nhà xe Quốc Trung (Gia Lai) chạy tuyến Thanh Hoá – Đắk Lắk đón nữ bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đắk Lắk và 4 người vừa nêu trên. Hiện xe khách này đã được lực lượng chức năng ở Thanh Hoá giữ lại, tiến hành các bước xử lý để chống dịch COVID-19. 

Ngày 30/7, ngành y tế tỉnh Gia Lai đã ghi nhận hơn 1,2 nghìn công dân từ Đà Nẵng về Gia Lai, hiện đang tiến hành điều tra dịch tễ của những người này. 

Khẩu trang là mặt hàng "nóng" trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, cũng vì thế mà việc kiểm soát khẩu trang cần thực hiện nghiêm, chặt chẽ. Đội quản lý Thị trường số 12 (Cục Quản lý Thị trường Gia Lai) vừa tạm giữ 17,5 nghìn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Theo đó, ngày 29/7, Đội quản lý Thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra ô tô tải biển số 29H-336.04 do ông Lương Văn Diệu điều khiển đang dừng bỏ hàng tại khu vực đường Trường Chinh (phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai). Qua kiểm tra, đơn vị trên phát hiện trên xe ô tô tải này có 17,5 nghìn khẩu trang y tế trên bao bì sản phẩm không có thông tin, căn cứ để xác định nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Diệu không cung cấp được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp của toàn bộ số khẩu trang trên.

Đội Quản lý Thị trường số 12 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ, tiếp tục xác minh thông tin về số khẩu trang không rõ nguồn gốc vừa nêu.

Cũng trong ngày 30/7, ngành y tế Kon Tum cũng đã thực hiện cách ly, theo dõi 37 trường hợp trở về từ Đà Nẵng. (Tiền Lê)

Đà Nẵng: Bệnh viện tư 'chia lửa' chống COVID - 19

Ngày 30/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Sở Y tế Đà Nẵng làm việc với Bệnh viện Gia đình để khảo sát cơ sở hạ tầng, nhân sự, máy móc thiết bị..., đánh giá khả năng đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đoàn làm việc gồm 10 chuyên gia của Bệnh viên Bạch Mai và bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh (Trưởng phòng Quản lý hành nghề - Sở Y tế Đà Nẵng). Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, Bệnh viện Gia Đình đáp ứng gần đủ các yêu cầu để thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên, vẫn còn 1 vài hạn chế có thể khắc phục. 

Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác cho hay sẽ đề xuất Bệnh viện Gia Đình là phương án dự phòng để điều trị bệnh nhân COVID – 19 nếu dịch tiếp tục lan rộng. Theo đoàn công tác, trước mắt, Bệnh viện Gia Đình sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi điều trị cho các ca bệnh nặng nghi nhiễm (nếu xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 thì chuyển đi; tiếp nhận các bệnh nhân hô hấp nặng (xét nghiệm âm tính) từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi và sau này là tiếp nhận các bệnh nhân COVID – 19 đã điều trị âm tính ở Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục theo dõi.

Bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Gia Đình, xác nhận đã báo cáo và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế, sẵn sàng “chia lửa” với Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi.

“Trước mắt, bệnh viện sẽ tiếp nhận những trường hợp bệnh hô hấp đang điều trị ở 2 bệnh viện này (đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2). Hiện, số lượng bệnh nhân như vậy ở 2 bệnh viện này rất lớn, là áp lực lớn đối với các y bác sĩ, đặc biệt là khi Bệnh viện Đà Nẵng còn đang bị phong tỏa. Sau này, bệnh viện sẽ là nơi tiếp nhận các ca bệnh COVID – 19 đã có kết quả âm tính để tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Hùng nói.

Ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại, Bệnh viện Gia đình đã tiến hành phân luồng bệnh nhân từ khâu khám bệnh, các trường hợp bệnh nhân có tiếp xúc với người mắc COVID – 19 đều được khám ở luồng riêng để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

“Khi có dịch, lượng bệnh nhân dồn về Bệnh viện Gia đình rất đông. Để đảm bảo bệnh viện “sạch”, chúng tôi dành riêng 1 tầng và thuê nguyên 1 khách sạn cho nhân viên ở. Căng tin hoạt động 24/7, phục vụ ăn ngày 3 bữa, giảm giá 10% cho bệnh nhân và người nhà, tuyệt đối không để nhân viên và bệnh nhân mang đồ ăn vào bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm. Mỗi ngày, bệnh viện chi 30 triệu tiền vật tư bảo hộ. Đó là con số lớn đối với 1 bệnh viện tư nhưng chúng tôi chấp nhận để tạo nên sự an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Để sẵn sàng hỗ trợ 2 Bệnh viện đang điều trị các ca mắc COVID – 19 và các ca nghi nhiễm, rang sáng ngày 30/7, BCĐ Phòng chống dịch Bệnh viện Gia Đình đã biến toàn bộ khu vực ngoại trú, gồm cả khoa Hồi sức tích, cực trở thành một khu miễn nhiễm với COVID -19; đồng thời, chuẩn bị sẵn một khu điều trị bệnh nhân COVID – 19.

Bệnh viện hiện đã chia làm 2 khu: Khu điều trị an toàn cho sản khoa, cho bệnh nhân điều trị cho người không có nguy cơ và khu điều trị cho những người có nguy cơ. Hai khu được phân luồng rõ, đảm bảo không lây nhiễm chéo.

“Bệnh viện biết và chấp nhận các rủi ro khi “chia lửa” cùng Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi. Bệnh viện hoàn toàn có quyền không nhận, thậm chí có bệnh viện tư đã đóng cửa vì dịch, nhưng lương tâm chúng tôi không cho phép. Các y bác sĩ và toàn bộ nhân viên đều đồng lòng và sẵn sàng ra tuyến đầu. Bệnh viện cũng sẵn sàng chi viện cho bệnh viện dã chiến sắp được thành lập ở Hòa Vang nếu được yêu cầu”, bác sĩ Hùng chia sẻ. (Giang Thanh)

Khánh Hoà dừng tổ chức lễ hội Văn hoá dân gian để phòng chống dịch COVID - 19

Sáng 30/7, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBDN tỉnh Khánh Hòa, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình việc tổ chức lễ hội Văn hóa dân gian tỉnh Khánh Hòa năm 2020 tại TP Nha Trang. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hoà đã thống nhất dừng tổ chức chương trình nghệ thuật Văn hóa dân gian Khánh Hòa dự kiến diễn ra vào tối 1/8 tại TP Nha Trang.

Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, việc dừng tổ chức lễ hội này là cần thiết nhằm thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân và khách du lịch. (Công Hoan)

Bình Định: Lập 6 chốt kiểm tra tại các cửa ngõ ra vào tỉnh để ngăn COVID-19 xâm nhập

Ngày 30/7, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, UBND huyện Vân Canh và UBND huyện Tây Sơn khẩn trương thành lập ngay các chốt kiểm tra phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập.

Theo đó, tại TP Quy Nhơn sẽ lập 2 chốt tại Đèo Cù Mông trên QL 1A và tại QL 1D Quy Nhơn - Sông Cầu (đoạn gần Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE). Đây là 2 địa điểm giáp tỉnh Phú Yên.

Tại huyện Vân Canh sẽ lập chốt kiểm tra tại điểm giáp với tỉnh Phú Yên trên QL 19C. Tại huyện Tây Sơn lập chốt tại điểm giáp với tỉnh Gia Lai trên QL 19.

Trước đó, ngày 28/7, ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng có văn bản yêu cầu UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) lập chốt kiểm tra phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại đèo Bình Đê (thị xã Hoài Nhơn) trên QL 1A. Ngoài ra, UBND thị xã Hoài Nhơn còn thành lập thêm chốt trên đèo Vĩnh Tuy (phường Tam Quan Bắc). Hai chốt này giáp với tỉnh Quảng Ngãi, là cửa ngõ ra vào tỉnh Bình Định từ phía bắc.

Tất cả các chốt kiểm tra phòng, chống dịch bệnh COVID-19 này sẽ hoạt động theo phương châm "5 tại chỗ": Y tế tại chỗ, Công an tại chỗ, Quân sự tại chỗ, Hậu cần tại chỗ và Chỉ huy tại chỗ, để rà soát, kiểm tra y tế đối với người dân đến/ở/về từ các tỉnh, thành có dịch vào tỉnh Bình Định. (Trương Định)

MỚI - NÓNG