Kết quả hoạt động truyền thông của Quỹ PCTH của thuốc lá giai đoạn 2014 - 2018

Toàn cảnh khóa tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát đánh giá các hoạt động truyền thông
Toàn cảnh khóa tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát đánh giá các hoạt động truyền thông
TP - Việc Quốc hội thông qua Luật PCTH của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá là một bước tiến quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong công tác PCTH của thuốc lá nói riêng và công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng nói chung.  

Theo đó, Quỹ PCTH của thuốc lá được thành lập nhằm mở rộng các cơ chế tài trợ bền vững và dành riêng cho các chương trình nâng cao sức khỏe sẽ làm giảm nhu cầu chi tiền cho các dịch vụ khám chữa bệnh, đem lại không chỉ lợi ích sức khỏe cho người dân mà còn cả lợi ích kinh tế cho quốc gia. 

Kinh nghiệm của các quốc gia có Quỹ PCTH của thuốc lá cho thấy, cần ít nhất một đến ba năm để xây dựng, ổn định tổ chức và vận hành Quỹ một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Quỹ PCTH của thuốc lá, hoạt động PCTH của thuốc lá đã được đẩy mạnh từ trung ương tới các tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn từ 2014 - 2018, Quỹ đặt trọng tâm vào công tác truyền thông cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của tính đa dạng, phong phú trong công tác truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm thay đổi nhận thức hành vi của cộng đồng sau các chiến dịch truyền thông.

Kết quả thực hiện hoạt động truyền thông

Từ năm 2014 đến nay Quỹ PCTH của thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức gần 8.000 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và quy định pháp luật về PCTH của thuốc lá, hơn 1.300 buổi truyền thông lưu động tại cộng đồng với hệ thống loa tuyên truyền, truyền thông lưu động tại xã phường, nói chuyện chuyên đề tại các cơ sở y tế. Rất nhiều hình thức truyền thông đa dạng như: sân khấu hoá, phát tờ rơi, hò vè, đóng kịch tương tác đã được thực hiện. Gần 13.000 bản tin, toạ đàm, chương trình khoa giáo, phóng sự được phát trên đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố. 

Đặc biệt, Quỹ đã định hướng để các tỉnh, thành phố phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống loa phát thanh xã, phường - một hình thức truyền thông thiết thực và gần nhất với người dân. Với 111.833 lần phát sóng thông điệp truyền thông trên loa xã phường. Hoạt động truyền thông qua hình thức này đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin hằng ngày cho người dân về tác hại của thuốc lá, các chính sách, pháp luật về PCTH của thuốc lá.

Ngoài ra, tổ chức 3.000 buổi truyền thông tại 10 bệnh viện với hơn 45.000 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến bệnh đang mắc, phương pháp cai nghiện và quảng bá về Phòng - Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

Đánh giá kết quả thực hiện

Với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, công tác xây dựng môi trường không khói thuốc đang ngày càng được nhân rộng; nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động được nâng cao và duy trì, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như trường học, nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng có những chuyển biến tích cực. Việc hỗ trợ của Quỹ PCTH của thuốc lá đã góp phần quan trọng trong công tác PCTH của thuốc lá và thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, đặc biệt đã giúp giảm việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong toàn quốc.

Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ PCTH của thuốc lá thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 được tiến hành độc lập bởi tổ chức Y tế cộng đồng Vital Strategies cho thấy các chiến dịch truyền thông giai đoạn 2014-2018 đã có tác động tích cực đến thái độ và hành vi của cả người hút thuốc và người không hút thuốc, khuyến khích người hút thuốc không hút gần mọi người và cố gắng bỏ thuốc. 60% số người được hỏi có nghe/ nhìn thấy thông tin về tác hại của thuốc lá. 70% số người nhìn thấy biển cấm hút thuốc. 84% số người thấy lo lắng về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân khi tiếp nhận thông tin chiến dịch. Số người nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ gia đình là 50% và 70% khiến họ có xu hướng lên tiếng phàn nàn khi hít phải khói người khác.

Bên cạnh đó, kết quả Điều tra Toàn cầu năm 2015 so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành tại khu vực thành thị giảm từ 23,3% xuống còn 20,6%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống còn 42,6%, tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%. Tăng tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn cai nghiện thuốc lá từ 34,9% số người được CBYT hỏi về tình trạng hút thuốc lên 45,6% và số người được CBYT tư vấn bỏ thuốc tăng từ 27,9% lên 40,5%. Ngoài ra, còn tăng cường nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá, đối với hút thuốc gây bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim và ung thư phổi nhận thức cộng đồng tăng từ 55,5% lên 61,2% và nhận thức cộng đồng về hút thuốc thụ động gây bệnh nghiêm trọng tăng từ 87,0% lên 90,3%. 

MỚI - NÓNG