Kết quả bước đầu của dự án KHCN ở Mường Lát
Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ dân trí thấp.
Tổng diện tích tự nhiên 81.461 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp 70.483 ha, đất sản xuất nông nghiệp 2.51,68ha, đất phi nông nghiệp 1.182,78ha, đất chưa sử dụng khác 7.279,80ha. Có 9 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Mường Lát và 8 xã: Nhi Sơn, Mường Chanh, Mường Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu, Tam Chung, Tén Tằn, Trung Lý.
Tổng dân số của huyện trên 34 nghìn người, có 6 dân tộc anh em sinh sống (Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh). Lương thực bình quân đạt trên 400 kg/người/năm, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (trên 60%).
Hiện nay, sản xuất lâm, nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát chủ yếu vẫn là quảng canh, năng suất thấp, mang tính tự cung tự cấp chưa trở thành hàng hóa, nên hiệu quả kinh tế thấp. An ninh lương thực chưa đảm bảo. Về chăn nuôi: Số lượng đàn gia súc, gia cầm của huyện ít (trâu 6.037 con; Bò 9.342 con; Lợn 14.714 con; Gia cầm 57.180 con; Dê 2.500 con; Ngựa 392con).
Chủ yếu vẫn là chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự do, không có chuồng nuôi nhốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ rừng mới trồng, thiếu thức ăn về mùa khô. Công tác tiêm phòng chưa áp dụng đồng bộ, cùng với rét đậm, rét hại, dịch bệnh, làm cho đàn trâu, bò hàng năm bị chết nhiều nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi chưa cao. (Số liêu do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Lát cung câp).
Xét về mặt lợi thế, huyện Mường Lát có mật độ dân số 42 người/km2; diện tích đất đồi, núi lớn, đây là lợi thế cho phát triển chăn nuôi gia súc; trong đó, trồng cỏ, bán chăn thả bò sinh sản để phát triển đàn bò hàng hóa là một hướng đi tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo, phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đã đề ra : “...chú trọng phát triển nâng cao số lượng, chất lượng, tầm vóc đàn bò sinh sản, kết hợp với phát triển đồng cỏ để tạo ra được nguồn giống bò tại chỗ, cung cấp cho nhân dân địa phương, là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 40% vào năm 2015...”.
Mô hình trồng cỏ VA06, nuôi bò bán chăn thả của hộ ông Thao Chống Lâu (người Mông) ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. |
Trong những năm qua, thực hiện các Chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi, chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Lát, đã thu được những kết quả khá quan trọng, đã xây dựng một số mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi; tuy nhiên, các mô hình, dự án chỉ đi chuyên sâu theo một hướng cung cấp giống bò trên địa bàn huyện Mường Lát, chẳng hạn: Tập Đoàn Viettel hỗ trợ các hộ nghèo 01 con bò cái giống về nuôi; Chương trình 30a hỗ trợ các hộ nghèo tiền mua trâu, bò; Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng nhân dân huyện Mường Lát 120 con bò giống...
Tất cả các hỗ trợ trên chỉ mang tính chất cho người dân con cá, chưa tạo ra được cần câu và hướng dẫn cách câu cá. Xuất phát từ tình hình trên, Đoàn chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Lát đã được UBND tỉnh phê duyệt giao chủ trì dự án KHCN: “Ứng dụng tiến bộ KHCN trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả bền vững tại huyện Mường Lát”, do KS. Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn; Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Đoàn chỉ đạo phát triển KT - XH huyện Mường Lát làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả đạt hiệu quả; nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình tham gia dự án; tạo giống bò lai tốt và cỏ giống, cung cấp cho các hộ nghèo trong bản; giúp nhân dân trong huyện chuyển đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu, hiệu quả thấp, sang bán chăn thả có chuồng trại, cung cấp thức ăn bằng cỏ trồng cho đàn bò sinh sản sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9 năm 2012. Tuy có nhiều khó khăn: dự án triển khai ở 3 xã Tén Tằn, Nhi Sơn, Trung Lý của huyện Mường Lát điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, địa bàn rộng, kéo dài từ Bản Táo xã Trung Lý đến Bản Tén Tằn xã Tén Tằn khoảng 70 km, không thuận tiện trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.
Trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế của các hộ tham gia dự án còn nghèo, tập quán chăn nuôi thả rông nhiều năm, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thông thạo tiếng Kinh nên rất khó khăn trong tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Nhưng Ban Chỉ đạo phát triển KT - XH huyện Mường Lát đã tổ chức thực hiện dự án một cách khoa học, phân công cụ thể cho từng thành viên Ban thực hiện dự án.
Các cán bộ, thành viên Ban dự án đều có kinh nghiệm và thâm niên công tác trong ngành nông nghiệp và PTNT, đã từng tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học, dự án, mô hình trong lĩnh lực sản xuất nông, lâm nghiệp và đặc biệt là niềm say mê khoa học vượt qua mọi thác ghềnh để đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người dân tộc thiểu số.
Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã thu được các kết quả rất khả quan: Đào tạo 3 cán bộ kỹ thuật và tổ chức 5 lớp tập huấn kĩ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản cho 250 người dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú.). Dự án đã hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình 3 bò đực giống Brahman và 10 bò cái nền, giống cỏ mới VA06, phân bón cho cỏ, máy thái cỏ, ... Xây dựng được 6 mô hình trồng cỏ, nuôi bò bán chăn thả tại 3 xã: Tén tằn, Trung Lý, Nhi Sơn.
Xã Tén Tằn có hộ gia đình ông: Vi Văn Phiến, bản Tén Tằn và hộ gia đình bà Hà Thị Thìn, bản Chiềng Cồng đều là dân tộc Thái. Xã Nhi Sơn có hộ gia đình Hơ Văn Cho, Bản Cặt và hộ ông Thao Chống Lâu, bản Kéo Té là dân tộc Mông. Xã Trung Lý có hộ Lương Văn Bảo, bản Táo - dân tộc Thái và hộ gia đình ông: Lộc Văn Quỳnh, bản Táo - dân tộc Mông.
Mỗi mô hình trồng 0,6 ha đến 1,5 ha cỏ VA06 và có từ 8 bò cái nền trở lên. Hiện nay các hộ tham gia mô hình chủ động về kỹ thuật chăn nuôi bò bán chăn thả, thức ăn cho bò quanh năm và có thể cung cấp cỏ cho các hộ nuôi bò khác trong vùng. Đàn bò của các mô hình sinh trưởng phát triển tốt, không bị bệnh, vì vậy đã thu hút nhiều người dân đến tham quan, học tập.
Cấp ủy, chính quyền địa phương một số xã Thị trấn, xã Quang Chiểu, Mường Chanh đã tổ chức cho nhân đi tham quan học tập. Đây là thành quả lao động sáng tạo của tập thể Ban chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Lát và chủ nhiệm dự án đã đưa kỹ thuật tiến bộ đến với bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án KH&CN đến tháng 9 năm 2014 mới kết thúc, các kết quả ban đầu của dự án về số lượng tuy không lớn nhưng đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát nâng cao nhận thức, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi là cơ sở để chuyển đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu, hiệu quả thấp, sang bán chăn thả, trồng cỏ chủ động thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt là trong mùa khô và mùa đông, tạo tiền đề để phát triển chăn nuôi bò hiệu quả, bền vững tại huyện Mường Lát.
KS. Nguyễn Thị Lựu
PTP Quản lý KH&CN cơ sở - Sở KH&CN Thanh Hóa